Tập đoàn Huawei đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay tại châu Âu

VOV.VN - Bộ trưởng văn hóa Anh ngày 6/7 nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cắt đứt quyền truy cập của Huawei với các công nghệ tiên tiến.

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ lệnh cấm mua thiết bị của Mỹ đến việc các nước châu Âu cân nhắc khả năng hạn chế thiết bị của Tập đoàn này trong mạng lưới 5G. Bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khiến giấc mơ thống trị mạng 5G toàn cầu của Huawei đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tập đoàn Huawei đối mặt với nguy cơ tẩy chay tại châu Âu. Ảnh: China Fovus

Bộ trưởng văn hóa Anh Oliver Dowden ngày 6/7 nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cắt đứt quyền tiếp cận của Huawei với các công nghệ tiên tiến. Điều này có thể tác động đáng kể đến độ tin cậy của nhà cung cấp dịch vụ. Tháng 1 vừa qua, Anh đã trao cho Huawei một vai trò hạn chế trong việc thúc đẩy mạng 5G của Anh, nhưng Bộ trưởng Oliver Dowden hôm nay cho rằng quyết định của chính phủ có thể thay đổi.

Đây là tuyên bố mới nhất của Anh củng cố các thông tin truyền thông trước đó cho rằng Anh đang đưa ra các đề xuất ngừng cài đặt thiết bị Huawei vào hệ thống 5G của nước này, sau đó đẩy nhanh việc loại bỏ công nghệ của Tập đoàn này.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng cho biết, Hội đồng an ninh quốc gia đang xem xét các điều kiện của Huawei liên quan đến việc phát triển mạng lưới 5G của Anh: “Hiện tôi chưa thể bình luận về những thông tin cho rằng Anh đang cân nhắc ngừng cài đặt thiết bị Huawei. Khi đưa ra quyết định vào tháng 1 năm nay, chúng tôi đã tính đến một số điều kiện cần thiết đã được đáp ứng. Hội đồng an ninh quốc gia sẽ  tiếp tục xem xét các điều kiện và đưa ra quyết định đúng đắn về vấn đề này, đảm bảo rằng Anh có cả một cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh nhưng cũng phải an toàn”.

Trong bối cảnh Mỹ liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt cứng rắn, không chỉ Anh mà nhiều nước châu Âu khác cũng đang phải xem xét lại mối quan hệ với tập đoàn viễn thông đến từ Trung Quốc. Nếu Anh thực hiện kế hoạch loại bỏ Huawei, điều đó sẽ có tác động đáng kể lên cuộc tranh luận ở Đức, khi một số nhà lập pháp nước này cho rằng Huawei là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia và cần bị loại bỏ hoàn toàn. Mỹ trước đó cũng cảnh báo sẽ dừng chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu nước này cho phép Huawei phát triển mạng 5G. Pháp hôm qua thông báo sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị của Tập đoàn Huawei khi thiết lập mạng lưới viễn thông 5G song sẽ tránh sự phụ thuộc vào tập đoàn Trung Quốc.

Mặc dù chưa công bố lệnh cấm hoàn toàn với Huawei, nhưng tất cả những động thái của một số nước châu Âu báo hiệu sự thay đổi quan điểm lớn đối với tập đoàn này của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây cho rằng "thủy triều đang quay lưng với Huawei khi người dân khắp thế giới thức tỉnh trước rủi ro bị Trung Quốc theo dõi".

Phản ứng trước những diễn biến mới nhất, người phát ngôn Tập đoàn Huawei khẳng định, Huawei vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khách hàng và lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt “phân biệt đối xử” mới của Mỹ. Tập đoàn công nghệ Huawei cũng cho biết sẽ thảo luận với Anh để giải quyết những hạn chế do biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.

Mặc dù ra sức phủ nhận liên quan đến chính quyền Trung Quốc như cáo buộc của Mỹ nhưng Tập đoàn Huawei đang thực sự bị ngấm đòn trước vòng xoáy căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, từ đối đầu Mỹ- Trung đến sự ngờ vực ngày càng lớn tại châu Âu, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Những đối đầu căng thẳng biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng đặt Huawei hay các tập đoàn khác của Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro, khi xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc cũng đã bị cấm ở Ấn Độ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên