Thay đổi có thể được tạo nên bởi những bàn tay cũ

Bộ máy hành động kinh tế Mỹ được bổ nhiệm cùng thời điểm vị Tổng thống mới của nước Mỹ công bố một kế hoạch tham vọng thúc đẩy nền kinh tế. Điều này ban đầu đã đem lại những niềm hy vọng cho thị trường

Hôm nay (24/11), Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Barack Obama công bố chính thức “bộ tam” 3 quan chức kinh tế hàng đầu của chính quyền mới bao gồm: Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Bộ trưởng Thương mại Bill Richardson và Chủ tịch Ủy ban kinh tế quốc gia Lawrence Summers.

Sau hơn 1 tuần thông tin không chính thức, ông Timothy Geithner đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers để được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tài chính - chức vụ quan trọng hàng đầu trong nội các Mỹ ở thời điểm khủng hoảng. Năm nay 47 tuổi và đang giữ cương vị giám đốc Quỹ dự trữ liên bang tại New York, ông Geithner được xem là một lựa chọn tích cực của ông Obama. Ngay sau khi quyết định được thông báo, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 6,5%, một an ủi lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đang ngày càng tồi tệ.

So sánh giữa hai nhân vật một chín một mười là ông Geithner với ông Lawrence Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, dư luận cho rằng tuổi trẻ và kinh nghiệm của người trong cuộc giúp ông Geithner vượt trội hơn. Ông Geithner được đánh giá cao trong các nỗ lực điều hành Cục dự trữ New York trong thời kỳ khủng hoảng và hiện đang giữ vai trò quan trọng trong việc dàn xếp các gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ cho Công ty bảo hiểm AIG và Ngân hàng JP Morgan. Trước đó, nhân vật này từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Cục Dự trữ liên bang lẫn Bộ Tài chính - một sự kết hợp đặc biệt khiến ông nổi trội hơn so với các ứng cử viên khác. Người ta mong đợi ông trong cương vị mới sẽ giúp phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kinh tế đầu não của nước Mỹ.

Cùng với ông Geithner, ông Lawrence Summers được bổ nhiệm làm Giám đốc Ủy ban kinh tế quốc gia – cơ quan sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc tiến hành kế hoạch kích thích kinh tế song hành trị giá 175 tỷ USD mà ông Obama đưa ra. Ông Bill Richardson - thống đốc bang New Mexico từng là đối thủ của ông Obama giành chức ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Trong cương vị này, ông Richardson sẽ phải giúp chính quyền Obama thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan về thương mại, tức là làm sao vừa phải đảm bảo công ăn việc làm cho người dân Mỹ vừa phải thực hiện cam kết thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu.

“Thay đổi có thể được tạo nên bởi những bàn tay cũ” là lối nói chơi chữ của báo chí Mỹ về đội ngũ nội các mới đang dần hình thành. Không phải ngẫu nhiên mà cả 3 quan chức kinh tế chủ chốt mới được bổ nhiệm này đều từng nắm giữ các chức vụ quan trọng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton. Vào thời kỳ đó, ông Lawrence Summers là Bộ trưởng Tài chính, ông Geithner từng là quan chức bộ này, còn ông Bill Richardson đã từng được ông Clinton bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng và Đại sứ của Mỹ tại LHQ. Các nhà phân tích cho rằng ông Obama muốn nhờ cậy đội ngũ có kinh nghiệm từng giúp nền kinh tế Mỹ hưng thịnh dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton để vực dậy nền kinh tế hiện nay. Ngoài ra, ông Obama cũng đang để mắt đến nhiều gương mặt cũ dưới thời chính quyền Clinton vào một số vị trí quan trọng khác, trong đó không thể không kể đến cựu đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sỹ Hilary Clinton.

Đồng thời với việc bổ nhiệm nhóm quan chức cấp cao về kinh tế, ông Obama cũng công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế song hành với những mục tiêu mà theo ông “tham vọng hơn” so với những gì ông từng hứa trong chiến dịch tranh cử. Đó là mục tiêu giữ và tạo mới 2,5 triệu việc làm cho người dân Mỹ vào năm 2011 cùng việc cắt giảm thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, trường học, tạo thêm nhiều “việc làm xanh”- những điều không mấy được chú ý dưới thời chính quyền Bush.

Ông Obama tuyên bố sẽ ký thông qua kế hoạch này ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1 tới, đem lại hy vọng thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng tình hình tồi tệ hiện nay khiến mọi niềm lạc quan đều rất có chừng mực và đi kèm với thận trọng. Không thể mong chờ một số quan chức hay một vài kế hoạch có thể vực dậy nền kinh tế Mỹ trong phút chốc. Tất cả sẽ phải chờ vào tình hình và hành động thực tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.