Thủ tướng Nhật Bản đến Nga: Không chỉ vì Olympic Sochi
VOV.VN - Thủ tướng Shinzo Abe vốn coi mối quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu.
Nước Nga đã sẵn sàng cho Lễ khai mạc Olympic hoành tráng sẽ diễn ra trong ngày 7/2 (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, chuyến đi của ông Abe tới Nga, tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội cũng đánh dấu lần thứ 5 ông có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi lên nhậm chức 13 tháng trước đây.
Mặc dù hai nước đã có gần bảy thập kỷ tranh chấp lãnh thổ, nhưng trái ngược hoàn toàn với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến các đảo tranh chấp, quan hệ Nhật – Nga luôn được giữ ổn định.
Sự xuất hiện của ông Abe – một nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7 tại Lễ Khai mạc Olympic Sochi sẽ góp phần khẳng định vị thế quan trọng của nước Nga trên trường quốc tế.
Hiện các nhà lãnh đạo Nga đang phải đối mặt với những chỉ trích của một bộ phận cộng đồng quốc tế liên quan đến vấn đề nhân quyền khi ban hành luật chống lại việc tuyên truyền cho đồng tính nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Đức Joachim Gauck sẽ không tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội diễn ra ngày 7/2. Phái đoàn của Mỹ tham dự lễ khai mạc thậm chí còn bao gồm 3 đại diện là người đồng tính nam.
Ông Abe không đến Nga chỉ để dự Lễ khai mạc Olympic
Chính sách đối nội của Nga không khiến dư luận Nhật Bản quan tâm, nhưng chuyến đi của ông Abe diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ của hai nước vẫn đang tồn tại.
Chỉ vài giờ trước chuyến đi của ông Abe, một cuộc biểu tình rầm rộ tại Nhật Bản đã diễn ra, những người biểu tình đòi ông Abe gây áp lực với Nga để trả lại những hòn đảo mà phía Nhật Bản cho rằng, Nga đã chiếm của nước này sau Thế chiến II.
Thủ tướng Shinzo Abe vốn coi mối quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu (Ảnh: AP) |
Năm 2013, sự kiện 2 máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện tại khu vực tranh chấp và phía Nhật Bản điều máy bay đến ngăn chặn đã khiến mối quan hệ Nhật - Nga nổi sóng. Tuy nhiên, ông Abe và Tổng thống Putin đã có những động thái tích cực để không đẩy căng thẳng leo thang.
Trái ngược với đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc lại ngày càng trở nên căng thẳng khi hai nước này liên tiếp từ chối lời kêu gọi đối thoại của ông Abe.
Bên cạnh những tranh chấp liên quan đến lãnh thổ, chuyến thăm đền Yasukuni – một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ hồi tháng 12/2013 của ông Abe đã khiến Bắc Kinh và Seoul hết sức tức giận.
Nga cũng chỉ trích chuyến thăm dền Yasukuni của ông Abe nhưng đã không để việc này làm hỏng mối quan hệ với Nhật Bản.
Bình luận về chuyến đi của ông Abe tới tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội Sochi, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori nói: “Chuyến đi này là một biểu hiện cho thấy mối quan hệ giữa hai qốc gia đang đi theo một chiều hướng tốt”.
Theo Reuters, ông Mori cũng tiết lộ với các phóng viên, hai nước đang cố gắng thu xếp để sắp xếp một chuyến thăm của ông Putin tới Nhật Bản vào mùa thu tới.
Thủ tướng Abe vốn coi mối quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mới đây, ông Abe tuyên bố trước Nội các của nước này khẳng định: “Thông qua mối quan hệ cá nhân tin tưởng lẫn nhau của chúng tôi, chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế cũng như các cuộc đàm phán nghiêm túc về những bất đồng liên quan đến lãnh thổ giữa hai nước”.
Nga mong muốn gì từ mối quan hệ với Nhật Bản?
Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng hoan nghênh việc mở các cuộc đối thoại về vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản nhưng nhấn mạnh rằng, việc công nhận kết quả của chiến tranh sẽ là rất quan trọng.
Theo giới phân tích, Moscow hiện mong muốn củng cố vị thế của mình tại khu vực Đông Á trong khi vẫn thận trong quan sát sự lớn mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AFP) |
Giáo sư Nobuo Shimotomai tại Đại học Hosei ở Tokyo nhận định: “Về phần mình, Tổng thống Putin cũng giống như ông Obama đang hướng về khu vực Đông Á. Để đạt được mục đích của mình, ông ấy sẽ sử dụng con át chủ bài là quyền lực mềm của nước Nga – thông qua việc bán năng lượng cho các quốc gia trong khu vực”.
Hiện ngành năng lượng của Nga đang trải qua một sự biến đổi đáng kể với dòng nhiên liệu được chuyển đến châu Á thông qua các đường ống dẫn từ Đông Siberia - Thái Bình Dương.
Trong kế hoạch chuyển hướng, không chỉ tập trung vào thị trường châu Âu, nước Nga hiện đang có kế hoạch tăng gấp đôi khối lượng dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu sang khu vực châu Á trong vòng 20 năm tới.
Giới phân tích nhận định, điều này sẽ tạo cơ hội tốt cho Nhật Bản, quốc gia đã và đang phải nhập một lượng cực lớn các nhiên liệu hóa thạch để sử dụng thay thế vì toàn bộ ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này hiện đang phải đóng cửa sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi năm 2011.
Theo thống kê, Nhật Bản hiện là khách hàng tiêu thụ khoảng 1/3 các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng tự nhiên trên toàn cầu. Đây là một lý do quan trọng khiến cho cán cân thương mại của nước này bị thâm hụt 18 tháng liên tiếp.
Hiện nay, lượng khí đốt mà Nhật Bản nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 1/10 tổng lượng khí hóa lỏng tự nhiên nhập khẩu. Với tình hình đang diễn ra hiện nay, chắc chắn Tokyo sẽ cần đến Moscow nhiều hơn trong việc tìm cách giải bài toán thiếu thốn năng lượng mà nước này đang phải đối mặt./.