Trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ tiến hành thí nghiệm khám phá sự sống ngoài Trái Đất
VOV.VN - Tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-7 (Tianzhou-7) vừa cập bến thành công lên trạm vũ trụ của Trung Quốc sáng sớm 18/1.
Con tàu này đã mang theo vi khuẩn kỵ khí để tiến hành các thí nghiệm xác minh bí ẩn về việc liệu có tồn tại sự sống bên ngoài Trái Đất, tức có người ngoài hành tinh hay không?
Theo tiết lộ của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong số các trọng tải thí nghiệm do tàu Thiên Châu-7 mang lên trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này, có vi khuẩn kỵ khí (hay còn gọi là vi khuẩn yếm khí). Đây là một trong những dạng sự sống lâu đời nhất trên Trái Đất và là tác nhân chính tạo ra khí mê-tan trong khí quyển, phân bố rộng rãi trong môi trường yếm khí như biển sâu, ruộng lúa và dạ dày động vật nhai lại.
Về lý do chọn loại vi sinh vật này “du hành vào vũ trụ”, bà Đông Tú Châu (Dong Xiuzhu), nghiên cứu viên của Viện Vi sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Vì sao vi khuẩn này được sử dụng để tiến hành thí nghiệm? Bởi loại vi khuẩn này ăn những thứ rất đơn giản, nếu con người chúng ta ăn tinh bột hoặc thịt, thì chúng có thể sống chỉ bằng hydro và carbon dioxide, sau đó biến thành khí mê-tan".
Trong khi đó, theo ông Lưu Trúc, Giáo sư Khoa Khoa học hệ thống Trái Đất của Đại học Thanh Hoa, bằng cách tận dụng khả năng tiếp xúc với bức xạ ngoài không gian của trạm vũ trụ, cùng với môi trường vi trọng lực và các yếu tố khắc nghiệt khác như nhiệt độ, có thể kiểm nghiệm khả năng sống sót của các dạng sự sống ban đầu từ Trái Đất trong điều kiện môi trường khắc nghiệt này.
“Thí nghiệm này của chúng tôi nhằm xác minh từ góc độ ngược lại, rằng nếu vi khuẩn sinh ra khí metan có thể tồn tại trong môi trường như vậy, đồng thời tạo ra khí mê-tan và phát triển tốt, điều đó có thể chứng minh rằng sự sống nguyên thủy trên Trái Đất thực sự có thể tồn tại, thậm chí phát triển trong môi trường ngoài Trái Đất. Từ đó, có thể mang lại cho chúng ta một gợi ý lớn, rằng nếu khí mê-tan tìm thấy trên Sao Hỏa có khả năng là nguồn gốc của sự sống, thì sự sống này có thể có nguồn gốc chung với sự sống trên Trái Đất", ông Lưu Trúc nói.
Được biết, từ năm 1992, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến để tìm kiếm tín hiệu ngoài hành tinh. Kể từ khi hạ cánh xuống Sao Hỏa năm 2012, tàu thám hiểm Curiosity của NASA từng nhiều lần phát hiện được các tín hiệu khí mê-tan chưa thể giải thích. Các nhà khoa học suy đoán lượng khí mê-tan này có thể là sản phẩm của quá trình trao đổi chất sinh học ngoài Trái Đất, trong đó vi khuẩn sản sinh ra khí mê-tan được cho là một trong những dạng sự sống tiềm năng trên Sao Hỏa hoặc mặt trăng Enceladus của Sao Thổ.
Trước đó, sáng sớm 18/1, tàu vận tải vũ trụ Thiên Châu-7 mang theo hơn 260 mặt hàng tiếp tế, nặng khoảng 5,6 tấn, đã cập bến trạm vũ trụ của Trung Quốc sau khoảng 3 giờ phóng lên. Ngoài 2.400 kg nhu yếu phẩm sinh hoạt cho phi hành đoàn, trong số các mặt hàng này còn có nhiều tải trọng thí nghiệm khoa học trên quỹ đạo không gian.