Tranh cãi từ đề xuất mới thay đổi Hiệp ước châu Âu của Pháp

Những đề xuất mới lần này của Tổng thống François Hollande đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, cũng như gây không ít tranh cãi trong nội bộ châu Âu.

Trong chuyến thăm và làm việc với Thủ tướng Italy Mario Monti ngày 15/6, Tổng thống mới của Pháp François Hollande đã giới thiệu những nét phác thảo chính trong bản dự thảo hiệp ước mới cho châu Âu, mà Pháp dự kiến sẽ đệ trình tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 28 và 29/6 tới.

Ông Hollande từng cam kết sẽ đấu tranh để thảo luận lại Hiệp ước châu Âu khi ra tranh cử Tổng thống, do đó, những đề xuất mới lần này của ông đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, cũng như gây không ít tranh cãi trong nội bộ châu Âu.

Ba ưu tiên trong kế hoạch của Pháp

Trong bản dự thảo hiệp ước mới, Tổng thống Pháp François Hollande đã bảo vệ 3 ưu tiên “cơ bản” của Pháp là tăng trưởng, ổn định lại tài chính và củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ.

Tổng thống Pháp đã đưa ra đề nghị sử dụng tổng thể các công cụ của Liên minh và định hướng lại các công cụ này. Ví dụ như, kế hoạch tăng vốn cho Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực tư nhân, sử dụng và định hướng các quỹ cơ cấu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhằm mục đích tạo thêm việc làm cho giới trẻ…

Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Italy Mario Monti

Để phục vụ cho mục đích này, ông Hollande cũng đưa ra đề nghị bơm thêm ít nhất 100 tỷ Euros vào nền kinh tế EU trong mùa hè này. Đồng thời, Pháp cũng thúc đẩy việc thực hiện thuế đánh vào các giao dịch tài chính – kế hoạch chắc chắn có được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía chính phủ của Thủ tướng Italy Mario Monti.

Cùng với đó, Chính phủ mới của Pháp hối thúc việc thành lập một “liên minh ngân hàng” nhằm giảm gánh nặng cho Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (MES) và tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các chính phủ và các ngân hàng, tránh tình trạng khủng hoảng hệ thống ngân hàng như đang xảy ra tại Tây Ban Nha hiện nay.

Tổng thống Pháp François Hollande đang tìm cách thúc đẩy ý tưởng tạo ra “một tầm nhìn dài hạn” cho Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu thông qua việc phát hành trái phiếu châu Âu – điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đến nay vẫn phản đối.

Đức cho rằng việc phát hành trái phiếu chung sẽ khiến các nước “thực sự” bị cuốn vào cuộc khủng hoảng nợ ở các nước nợ công nhiều nhất. Do vậy, để xoa dịu “người bạn” Đức, Pháp đã đưa ra ý tưởng, trong giai đoạn đầu, châu Âu sẽ chỉ đưa vào “eurobills”, tức là các trái phiếu với kỳ hạn ngắn.

Ngoài ra, ông Hollande cũng ủng hộ ý tưởng của các nhà kinh tế Đức về việc thành lập một quỹ “chuộc lại” khoản nợ công quá ngưỡng quy định 60% GDP của các nước thành viên Eurozone theo Hiệp ước Maastricht.

Mục đích là nhằm tiến tới xóa bỏ số nợ này trong một thời hạn là 25 năm và số vốn dành cho quỹ này sẽ được lấy từ các khoản vay công cộng và cho các nước thành viên vay, với tỷ lệ lãi suất thấp hơn tỷ lệ lãi suất ở các nước đang bị khủng hoảng nợ.

3 ngày trước cuộc bầu cử tại Hy Lạp, hai nhà lãnh đạo Pháp và Italy chia sẻ quan điểm muốn Hy Lạp vẫn ở trong khu vực đồng euro và giữ vững các cam kết về hội nhập khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp François Hollande cũng nhấn mạnh quyền tự quyết của người dân Hy Lạp.

Ông cho rằng: “Châu Âu đang cần một công cụ mang tính cơ chế cho phép hỗ trợ các ngân hàng và các nước thành viên một lúc nào đó, với một lí do nào đó, có thể rơi vào khủng hoảng và khi đó sự đầu cơ không được khuyến khích. Hy Lạp là một đất nước có chủ quyền, chính người dân nước họ phải quyết định và chúng ta phải tôn trọng”.

Phản ứng trái ngược của các nước trong liên  minh…

Những đề xuất của Pháp đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía Italy. Sau cuộc gặp kéo dài hai giờ với Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Italy Mario Monti nói: “Pháp và Italy đã đạt được sự đồng thuận và những tiến triển quan trọng, trong đó có việc tăng cường quản lý trong khu vực đồng Euro để bảo vệ đồng Euro trước những diễn biến của thị trường”.

Các nhà phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên kế hoạch này lại nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía Thủ tướng Italy Mario Monti. Ngoài mục đích lấy lại vai trò và ảnh hưởng của mình trong việc quyết định các vấn đề của châu Âu, cựu Cao ủy của Liên minh châu Âu này đang tìm kiếm các giải pháp ở cấp độ khu vực Eurozone, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang bị đình trệ của Italy và giải quyết khoản nợ công hiện đã lên tới mức kỷ lục của nước này. Theo các số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nợ công của Italy đang ở mức 1.949 tỷ Euros, bằng 123 % GDP của nước này.

Tuy nhiên, ý định của Pháp đã vấp phải sự phản đối của nước láng giềng, cũng là nền kinh tế lớn nhất và là đầu tàu của Liên minh châu Âu. Trong phản ứng ban đầu trước ý định của Pháp, tại một hội nghị các chủ doanh nghiệp của Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối các đề xuất của Pháp, khẳng định Đức là một cực cho sự ổn định và là đầu tàu cho sự phát triển của châu Âu và tuyên bố châu Âu cần thảo luận về những điểm khác biệt trong phát triển giữa hai nền kinh tế của Đức và Pháp.

Dự kiến dự thảo hiệp ước của Pháp sẽ tiếp tục được bàn thảo trong cuộc họp trù bị dự kiến diễn ra tại Thủ đô Roma của Italy vào ngày 22/6 với sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Italy Mario Monti và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, trước khi được đưa ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên