Trẻ em trong xung đột vũ trang: Thêm thách thức trước dịch Covid-19
VOV.VN - Theo đánh giá của Liên hợp quốc, việc triển khai chương trình nghị sự Trẻ em và Xung đột Vũ trang đạt được nhiều tích cực trong năm 2019.
Ngày 23/6 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tổ chức trực tuyến phiên thảo luận mở thường niên về chủ đề "Trẻ em và Xung đột Vũ trang" nhằm đánh giá tình trạng và mức độ vi phạm đối với trẻ em trong năm qua, các thách thức đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đề xuất giải pháp.
Với ý nghĩa kỷ niệm 15 năm thành lập Nhóm Công tác về Trẻ em và Xung đột Vũ trang, phiên họp cũng là cơ hội để các nước đánh giá và đưa ra khuyến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm trong việc ngăn ngừa các vi phạm đối với trẻ em.
Phiên họp có sự tham dự của bà Virginia Gamba, Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Trẻ em và Xung đột Vũ trang; bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và một đại diện trẻ em từ Mali.
Liêp hợp quốc thảo luận mở về "Trẻ em trong xung đột vũ trang". |
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, việc triển khai chương trình nghị sự Trẻ em và Xung đột Vũ trang đạt được nhiều tích cực trong năm 2019 như hơn 13 nghìn trẻ em được giải thoát khỏi các lực lượng vũ trang, 30 kế hoạch hành động ngăn ngừa các vi phạm đối với trẻ em được thông qua. Tuy nhiên, mức độ vi phạm đối với trẻ em vẫn rất nghiêm trọng với 25 nghìn vụ việc, trong đó các vụ việc giết hại và gây thương tật cho trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 10 nghìn vụ. Xung đột, bạo lực, bất ổn cùng các tác động tiêu cực của Covid-19 gây thêm trở ngại cho các nỗ lực bảo vệ trẻ em.
Các đại diện Liên hợp quốc kêu gọi các nước, các tổ chức khu vực cùng tăng cường cam kết, phối hợp hành động và hợp tác cùng Liên Hợp Quốc trong các nỗ lực ngăn ngừa và chấm dứt các vi phạm đối với trẻ em, trong đó có việc tham gia Tuyên bố An toàn Trường học.
Thảo luận tại phiên họp, các nước lên án các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang, chia sẻ quan ngại về tác động của dịch bệnh Covid-19, nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố các cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em thông qua các khuôn khổ như Công ước Quyền Trẻ em, Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang, Tuyên bố An toàn Trường học, Tuyên bố các Nguyên tắc Vancouver về Gìn giữ hòa bình và Ngăn ngừa việc tuyển mộ và sử dụng lính trẻ em…
Đánh giá cao hoạt động của Nhóm Công tác về Trẻ em và Xung đột Vũ trang trong 15 năm qua, các nước ghi nhận các kết quả tích cực đã đạt được, nổi bật là việc giải thoát hơn 150 nghìn trẻ em khỏi các lực lượng vũ trang và thông qua hơn 60 bản khuyến nghị về tình hình trẻ em và xung đột vũ trang tại nhiều nước và khẳng định tiếp tục ủng hộ nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm. Các nước nhất trí sẽ lồng ghép các nỗ lực bảo vệ trẻ em trong các hoạt động ngăn ngừa và giải quyết xung đột và tái thiết hậu xung đột nhằm xây dựng và duy trì hòa bình bền vững.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tuy đã đạt được những tiến triển cụ thể trong các nỗ lực bảo vệ trẻ em, tình hình trẻ em trong xung đột vũ trang vẫn rất đáng quan ngại; khẳng định ngăn ngừa xung đột là giải pháp bền vững song cộng đồng quốc tế cần triển khai ngay các biện pháp, hành động cụ thể để giảm thiểu tác động của xung đột đối với trẻ em.
Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo nghề, đặc biệt đối với những trẻ trong quá trình tái hòa nhập, giúp mở ra cánh cửa tương lai cho các em tái thiết cuộc sống. Trước các diễn biến phức tạp của Covid-19, Đại sứ nhấn mạnh trẻ em trong xung đột vũ trang là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và theo đó, kêu gọi các nước và Liên Hợp Quốc theo dõi chặt chẽ tác động của dịch bệnh và phối hợp hành động kịp thời. Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước tiếp tục nỗ lực, phát huy các kết quả đã đạt được, mang lại niềm tin, hy vọng và những đổi thay tích cực cho cuộc sống của các em./.