Triển vọng đàm phán hoà bình Syria – Israel

Chừng nào vấn đề Cao nguyên Golan chưa được giải quyết thì chừng đó hoà bình giữa Israel và Syria còn là một câu chuyện dài.  

Trước khi chính quyền mới của Thủ tướng Netanyahu lên cầm quyền tại Israel, đàm phán hoà bình giữa hai nước này đã có những tiến triển đáng ghi nhận. Hai nước đã tiến hành bốn vòng đàm phán gián tiếp qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có lúc hai bên đề cập tới cuộc đối thoại trực tiếp để thiết lập quan hệ hữu nghị với nhau. Tuy nhiên, những rắc rối liên quan đến cá nhân Thủ tướng Olmert dẫn tới việc ông này phải từ chức, Israel phải tổ chức bầu cử sớm đã làm gián đoạn quá trình đàm phán giữa hai bên. Liệu đàm phán hoà bình giữa Israel và Syria có được khôi phục trở lại?

Nội dung cốt lõi trong đàm phán hoà bình giữa Israel và Syria là Cao nguyên Golan. Trước năm 1967, Cao nguyên Golan là vùng đất thuộc lãnh thổ Syria. Trong cuộc chiến Trung Đông 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Cao nguyên Golan. Sau đó, vào tháng 10/1973, Syria bất ngờ mở cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng nhằm lấy lại vùng đất này nhưng không thành công, thậm chí còn bị quân đội Israel vượt qua và tiến sâu vào lãnh thổ Syria cách thủ đô Damacus gần 30km. Sau 2 tuần xung đột, một thoả thuận ngừng bắn được đưa ra, trong đó Israel và Syria đồng ý trở lại vị trí đóng quân như trước vụ tấn công.

Từ đó đến nay, vùng đất chiến lược này luôn khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng. Phía Syria luôn đòi Israel phải trả lại Cao nguyên Golan và coi đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Năm 1981, Israel quyết định sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình mặc dù không được quốc gia nào công nhận. Tel Aviv đã lập các khu định cư tại đây và hiện có khoảng 18.000 người Do Thái sinh sống.

Từ năm 1993, Israel và Syria bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm thiết lập một nền hoà bình giữa hai nước. Tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế, thậm chí kể cả khi được tiến hành ở cấp cao nhất trong lịch sử khi Thủ tướng Israel gặp Ngoại trưởng Syria ở Washington năm 1999 thì cuộc đàm phán hoà bình giữa hai nước vẫn sụp đổ vì bất đồng gia tăng về chủ quyền Cao nguyên Golan và các vấn đề an ninh khác. Mặc dù Israel đã đồng ý rút quân khỏi biên giới quốc tế, trả lại cao nguyên mà nước này nắm giữ từ cuộc chiến Trung Đông năm 1967 về cho Syria, nhưng Syria muốn trở lại hiện trạng trước năm 1967. Theo đó, họ sẽ kiểm soát phần đất gần sát biên giới quốc tế và một phần thềm lục địa của biển Galile và hồ ở chân cao nguyên. Yêu cầu này không được Tel Aviv chấp thuận vì họ muốn giữ lại toàn bộ thềm lục địa.

Dưới thời Thủ tướng Olmert, Israel và Syria bằng cách thông qua các nhà trung gian hòa giải quốc tế, đã đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước trên nguyên tắc đổi đất lấy hoà bình. Điều đó có nghĩa là Israel sẽ rút quân khỏi cao nguyên Golan. Đổi lại, Syria phải cam kết xây dựng hòa bình bền vững với chính quyền Israel. Tuy nhiên, những khó khăn trong nội bộ chính quyền Israel như đã đề cập ở phần trên cùng với ảnh hưởng của chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza từ ngày 27/12/2008 đến ngày 18/01/2009 vừa qua đã làm gián đoạn quá trình đàm phán giữa hai bên.

Vấn đề hiện nay là, hai bên có thể quay trở lại đàm phán hay không. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Syria luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với Israel theo nguyên tắc "đổi đất lấy hoà bình". Điều này cũng là dễ hiểu. Syria rất muốn lấy lại đất đai đã bị Israel chiếm của mình. Syria cũng mong muốn có được hoà bình. Điều này thể hiện qua việc Syria đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Những dấu hiệu ngoại giao trong thời gian qua cho thấy, quan hệ giữa Syria và Mỹ đã trở nên tốt hơn. Syria đã có lần đề nghị Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán hoà bình này. Syria tin rằng khi có Mỹ tham gia, quá trình đàm phán sẽ có những tiến triển tốt hơn.

Tuy nhiên, chính quyền thiên hữu tại Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu nổi tiếng cứng rắn đứng đầu với một ngoại trưởng Avigdor Lieberman theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến dư luận và ngay cả những người trong cuộc cũng không thể không có những hoài nghi về tiến trình đàm phán hoà bình giữa hai nước này.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Israel trong chính phủ mới, ông  Liberman tuyên bố Israel bác bỏ việc rút quân khỏi cao nguyên Golan. Phát biểu với một số tờ báo của Israel hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Liberman cho biết, chính phủ Israel chưa có quyết định về việc đàm phán với Syria và không chấp nhận việc rút khỏi Cao nguyên Golan. Mới đây, trả lời phỏng vấn của tờ ”Berliner Zeitung” của Đức, ông Liberman tiếp tục bác bỏ khả năng nối lại hòa đàm với Syria. Ông Liberman cáo buộc: “Syria vẫn tiếp tục ủng hộ, trợ giúp các phe nhóm khủng bố ở Lebanon và Palestine. Vì thế, họ không thể là đối tác của Israel trong công cuộc tìm kiếm hoà bình cho khu vực Trung Đông”.

Rõ ràng là quan điểm của hai bên vẫn còn rất xa nhau. Vấn đề Cao nguyên Golan vẫn là điều kiện tiên quyết cho hai bên bước vào đàm phán. Vì vậy, dư luận cho rằng, chừng nào vấn đề Cao nguyên Golan chưa được giải quyết thì chừng đó hoà bình giữa Israel và Syria còn là một câu chuyện dài./.                                                                         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.