Trung Quốc thúc giục Mỹ ổn định nền tài chính

Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn thúc giục Mỹ nỗ lực ổn định nền kinh tế và các thị trường tài chính nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 5 với chủ đề "Đặt nền tảng cho quan hệ đối tác kinh tế lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ"  vừa diễn ra trong 2 ngày tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cuộc đối thoại này đã tìm cách tháo gỡ những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời là cơ hội để giảm bớt những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Đối thoại chiến lược về kinh tế được coi là cao cấp nhất trong cơ chế đàm phán kinh tế song phương Trung Mỹ hiện nay. Là một kênh tiếp xúc quan trọng, đối thoại chiến lược có lợi cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế thương mại giữa hai nước. Vốn là hai nền kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, các cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Trung Mỹ luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Và lần này cũng không là ngoại lệ. Diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng trầm trọng và đang có sự chuyển giao quyền lực ở Washington, chính vì vậy, nội dung chủ yếu được đề cập đến là  các biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính, thúc đẩy hợp tác song phương Trung - Mỹ …

Phát biểu trước cuộc họp, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn khẳng định: “Vấn đề cấp bách nhất mà chúng tôi cần phải giải quyết hiện nay là đương đầu với bất ổn tài chính toàn cầu. Theo đó hai bên cần hợp tác cùng nhau để thực thi tuyên bố đã đạt được tại Hội nghị G20 hồi giữa tháng 11 vừa qua”.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu tăng trưởng nhanh và ổn định, góp phần ổn định kinh tế và tài chính của thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson cho rằng với vai trò các nền kinh tế đầu tàu, trong đó Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và Trung Quốc đang dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi, hai bên cần tăng cường các cơ chế hợp tác thông qua các diễn đàn quốc tế để tăng cường hệ thống kinh tế toàn cầu".

Đây là vòng đàm phán đối thoại kinh tế chiến lược cuối cùng của ông Paulson với Trung Quốc.  Chính vì vậy, ông đã không ngớt lời ca ngợi vai trò của Trung Quốc trong việc góp sức vào nỗ lực giải quyết bất ổn kinh tế toàn cầu.

Dễ nhận thấy, đây là lần đầu tiên trong tiến trình đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ, không khí hoà thuận diễn ra trong suốt quá trình đàm phán. Không có nhiều chỉ trích, hai nước tập trung nhiều vào cách thức hợp tác với nhau thông qua diễn đàn quốc tế nhằm củng cố hệ thống kinh tế toàn cầu mà ít đề cập đến  những bất đồng thương mại, vốn là tâm điểm của các cuộc đối thoại trước đó. Bằng chứng cho nhận định này là việc Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một khoản hỗ trợ thương mại chung trị giá 20 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước. Ngoài ra, các ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ xem xét các khoản vay của các nhà nhập khẩu ở các nước đang phát triển.

Cũng tại cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Trung Mỹ lần này, lần đầu tiên, Trung Quốc đã chấp thuận điều hành tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ một cách linh hoạt, chính thức khai thông một vấn đề được cho là khó thoả hiệp nhất trong số những bất đồng trong thương mại giữa hai nước. Lâu nay, nhiều chính khách và doanh nghiệp Mỹ chỉ trích chính phủ trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ bằng cách cố ý hạ thấp giá trị để thúc đẩy xuất khẩu, làm cho Mỹ nhập siêu lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Thậm chí, không ít lần Mỹ đã đe doạ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc không thực thi chính sách kiểm soát tiền tệ. Chính vì vậy, đây là thành công lớn của cuộc đối thoại lần này. 

Thực tế cho thấy, quan hệ kinh tế Trung Mỹ đang phát triển mạnh theo xu hướng “hai bên cùng có lợi”. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai bên tăng liên tục, trung bình 20%/năm. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ với tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá tăng gần gấp 4 lần so với các nước khác. Giới học giả Trung Quốc nhận định, thông qua các cuộc đối thoại, Trung Quốc và Mỹ có thể thu được một loạt thành quả trong các lĩnh vực như xóa bỏ bảo hộ mậu dịch, tăng cường thâm nhập thị trường song phương... Song những hoài nghi về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại vẫn chưa kết thúc khi mà phía Mỹ vẫn cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền và an toàn thực phẩm của các công ty của Trung Quốc. Với những lời cáo buộc này, quan hệ thương mại Trung Quốc và Mỹ vẫn trong hành trình khó khăn phá bỏ dần những rào cản để tiến tới quan hệ đối tác thực sự lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.