Tương quan Joe Biden – Donald Trump trước chặng đua nước rút
VOV.VN - Hàng loạt cuộc thăm dò ý kiến cử tri Mỹ thời gian gần đây cho thấy Tổng thống Donald Trump đang bị đối thủ Joe Biden vượt lên với khoảng cách khá xa.
Những kết quả bất lợi cho Donald Trump
Theo thống kê mới nhất của trang mạng Real Clear Politics, tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden là 50,6%, trong khi đó ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump là 41,3%, tức ông Biden hiện dẫn trước ông Trump 9,3 điểm.
Tỉ lệ ủng hộ trung bình của cử tri ở các bang chiến địa hàng đầu dành cho ứng cử viên của đảng Dân chủ là 49,3%, so với 41,3% dành cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa, tức ông Trump cũng kém ông Biden tới 6,2 điểm. Xin được lưu ý rằng thống kê của Real Clear Politics là số liệu trung bình của các hãng thăm dò dư luận hàng đầu về bầu cử Mỹ.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả gây bất lợi cho ông Trump bắt nguồn từ cách thức xử lý cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng nhất đang xảy ra tại Mỹ đó là dịch bệnh Covid-19. Cử tri Mỹ đánh giá ông Trump đang cho thấy sự thất bại, hay nói đúng hơn là bất lực trước một vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Đến thời điểm này, đã có hơn 4,4 triệu người Mỹ mắc Covid-19 và hơn 150.000 người đã tử vong. Số người Mỹ chết vì mắc Covid-19 hiện đã cao hơn số người Mỹ tử vong trong bất kỳ cuộc chiến hiện đại nào mà Washington đã tham chiến, kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên cộng lại. Tỉ lệ tán thành cách thức điều hành công việc của ông Trump trên cương vị tổng thống hiện đứng ở mức 39%, và những đánh giá tích cực về quản lý đại dịch của ông chủ Nhà Trắng cũng đã giảm từ 51% trong tháng 3 xuống 38% hiện nay.
Bên cạnh đó, cách thức giải quyết của Chính quyền liên bang đối với vấn đề bất bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc, vốn bị thổi bùng sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5 vừa qua, nhất là một số tuyên bố và hành động của cá nhân Tổng thống Trump liên quan tới trấn áp biểu tình lan rộng trên cả nước, đã khiến ông mất điểm trước công chúng Mỹ.
Kinh tế là thước đo quan trọng nhất đối với cử tri Mỹ trong việc cân nhắc bầu cho ứng cử viên của đảng nào và cũng là điểm sáng duy nhất của ông Trump so với ông Biden. Kết quả cuộc khảo sát dư luận do Washington Post-ABC News tiến hành và công bố ngày 19 tháng 7, cho thấy tỉ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ đối với khả năng điều hành nền kinh tế của Tổng thống Trump hiện ở mức 50% và cao hơn so với năng lực của cựu Phó Tổng thống Biden. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như cũng đang tự đánh mất mình khi tỉ lệ ủng hộ dành cho ông trong cuộc thăm dò tương tự vào tháng 3 vừa qua là 57%.
Tương quan Trump-Biden
Kết quả thăm dò tại các bang dao động thậm chí còn cho thấy kết quả tốt hơn đối với cựu Phó Tổng thống Biden. Cụ thể, ông Biden dẫn 11 điểm tại Pennsylvania, 9 điểm tại Michigan, 8 điểm tại Wisconsin và 5 điểm tại Florida. Đây là những bang mà Tổng thống Trump có thể cần giành chiến thắng để tiếp tục nắm quyền thêm 4 năm nữa.
Theo thống kê của Real Clear Politics, vào thời điểm ngày 28/7 năm 2016, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hilary Clinton dẫn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump 3,9 điểm về tỉ lệ quý mến của cử tri trên cả nước. Cùng thời điểm 28/7 năm nay, ông Biden đang dẫn trước ông Trump tới 15,6 điểm.
So sánh trong nội bộ đảng Dân chủ, cho thấy ông Biden hiện nhận được sự quý mến của cử tri Mỹ cao hơn 11,7 điểm so với bà Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, khó lường, và do vậy sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế, chính trị-xã hội và cuộc sống của người dân Mỹ. Điều đó chắc chắn sẽ tạo lợi thế lớn cho ông Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày 3/11 tới.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị của CNN Joe Lockhart, từng giữ chức Thư ký Báo chí Nhà Trắng từ năm 1998 - 2000 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nhận định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 vẫn chưa “thực sự kết thúc” vì một lý do, đó là ông Biden vẫn có thể thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới. Đến nay, ông Biden đã thực hiện một chiến dịch vận động tranh cử rất hiệu quả, nhưng giờ đây đang bước vào giai đoạn nước rút khi nhiều người Mỹ mới bắt đầu quan tâm tới cuộc đua. Do vậy, để tránh thất bại trước ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này, ông Biden vẫn còn nhiều việc cần làm.
100 ngày trước bầu cử
Khoảng thời gian 100 ngày trước bầu cử được cho là giai đoạn cực kỳ quan trọng với các ứng viên Tổng thống Mỹ trong việc thu hút lá phiếu của cử tri. Đây là giai đoạn chạy nước rút, do vậy cả ông Trump và ông Biden sẽ phải tập trung cao độ cho cuộc đua. Hai ứng cử viên dường như đã nhận thấy những lợi thế, cùng hạn chế, bất cập của riêng mình và đang tìm cách khắc phục trước khi quá muộn.
Đối với đương kim Tổng thống Trump, việc đầu tiên là thay thế Giám đốc phụ trách chiến dịch vận động tranh cử Brad Parscale bằng ông Bill Stepien, người từng tham gia chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ đầu của ông Trump hồi tháng 8 năm 2016. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh ông Trump bị tụt lại phía sau đối thủ Biden trong tỉ lệ ủng hộ của cử tri ở mức hai con số. Ông Trump cũng đã làm điều tương tự trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016.
Tổng thống Trump còn cho thấy sự thay đổi thái độ đáng kể liên quan tới cuộc chiến chống Covid-19, bởi vì cuộc khủng hoảng y tế công cộng hiện tại đã gần như “xóa sạch” mọi thành quả mà ông đã nỗ lực đạt được trong 3 năm cầm quyền. Từ chỗ phản đối, ông Trump đã gương mẫu thực hiện trong một số sự kiện và cho rằng “đeo khẩu trang là yêu nước”, đồng thời khuyến khích người dân Mỹ làm như vậy khi không thể giữ khoảng cách về thể chất nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Ông Trump cũng đã tham gia trở lại cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng của Nhóm đặc trách chống Covid-19 kể từ 21 tháng 7, thừa nhận về số ca nhiễm bệnh tăng cao ở ba bang Arizona, Florida và Texas, một lần nữa nhận định “virus chắc chắn sẽ tồi tệ trước khi trở nên tốt hơn”. Ông Trump còn quyết định hủy bỏ các hoạt động liên quan tới Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra tại thành phố Jacksonville, bang Florida “để bảo vệ người dân” trước dịch bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc về dịch bệnh Covid-19 và trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, công nghệ, chính trị-ngoại giao, dân chủ-nhân quyền, văn hóa-truyền thông; vấn đề Hồng Công, Đài Loan cũng chính là cách để thu hút lá phiếu của lực lượng cử tri có quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Cựu Phó Tổng thống Biden cũng đang nỗ lực hết mức để thu hút nhiều hơn sự ủng hộ của cử tri, tập trung vận động cử tri tại những khu vực bầu cử chủ chốt của đảng Dân chủ đi bầu với số lượng cao nhất. Ông Biden vẫn cần cử tri da màu, phụ nữ và ở vùng ngoại ô tham gia bầu cử với số lượng cao kỷ lục để có thể đối chọi với lực lượng cử tri trung thành của ông Trump.
Ông Biden đang tìm cách đối phó với đối thủ bằng kinh tế, vốn bị xem là “yếu thế” so với đương kim Tổng thống-doanh nhân Donald Trump. Phát biểu tại sự kiện tranh cử ở bang chiến trường Pennsylvania ngày 9/7, ông Biden đã trình bày tầm nhìn kinh tế theo chủ nghĩa dân túy, nhằm khôi phục và tái đầu tư vào sản xuất của Mỹ. Ông còn kêu gọi chi ngân sách nhiều hơn và có các quy định mới nghiêm ngặt hơn trong chính sách "Mua hàng Mỹ", nhằm thách thức ông Trump trên hai vấn đề trọng điểm là kinh tế và chủ nghĩa dân tộc.
Cụ thể, ông Biden đã đề xuất tăng 300 tỷ USD ngân sách nghiên cứu và phát triển công nghệ như xe điện, mạng 5G, cùng 400 tỷ USD chi tiêu liên bang cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Ông Biden mô tả đây là mức đầu tư "chưa từng thấy kể từ Đại Suy thoái và Thế chiến thứ Hai", đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là mang thịnh vượng đến mọi nơi ở Mỹ, bất kể chủng tộc và địa lý, khẳng định số tiền này sẽ được sử đụng đúng mục đích để đảm bảo tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi.
Tiếp đó, ngày 19/7, ông Biden đã vạch ra những ưu tiên trong gói ngân sách cứu trợ Covid-19 tiếp theo, kêu gọi Quốc hội Mỹ cung cấp toàn bộ ngân sách cần thiết cho các công cụ y tế công cộng để chống đại dịch Covid-19, bao gồm xét nghiệm, truy vết lây lan virus và thiết bị bảo hộ cá nhân.
Tóm lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều hệ lụy cho nội bộ nước Mỹ, cùng những căng thẳng với bên ngoài, đặc biệt là cuộc đối đầu Mỹ-Trung trên nhiều lĩnh vực, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này sẽ còn diễn ra quyết liệt, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và sẽ chỉ thực sự rõ ràng vào đêm 3/11 tới./.