Uỷ ban châu Âu cảnh báo trừng phạt 7 thành viên EU vì thâm hụt ngân sách cao
VOV.VN - Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua (19/6) đã mở một thủ tục có thể đưa đến các án phạt đối với bảy nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) do để thâm hụt ngân sách công vượt ngưỡng 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP theo quy định của EC. Đáng chú ý, trong đó có Pháp và Italy, các nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 của EU.
Danh sách các nước nằm trong diện cảnh báo bị “kỷ luật” vì có mức thâm hụt ngân sách cao của Uỷ ban châu Âu (EC) bao gồm Italy, Bỉ, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Malta và nhất là Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của EU.
Thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 5,3% vào năm 2024. Những con số này vẫn vượt xa mức trần thâm hụt quy định 3% GDP của EU. Ngoài ra, nợ công của Pháp đã tăng lên 110,6% GDP vào năm 2023, dự kiến sẽ ở mức 112,4% vào năm 2024 và 113,8% vào năm 2025, gần gấp đôi giới hạn 60% quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng châu Âu.
Cũng theo Hiệp ước này, để bảo đảm sự ổn định của đồng tiền chung Euro, cứ 6 tháng một lần, các số liệu thâm hụt chi tiêu công, nợ công được công bố chính thức đi kèm cùng với các biện pháp “kỷ luật” về tài chính tương đương 0,1% GDP đối với các quốc gia không tuân thủ.
Trước đó, năm 2020, EC đã tạm đình chỉ các quy tắc tài chính về trần thâm hụt ngân sách giới hạn ở mức 3% và nợ công dưới 60% GDP để giúp các nước thành viên thực hiện các gói kích thích kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Phát biểu trước báo giới, Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề Kinh tế ông Paolo Gentiloni cho biết:“Chúng ta không nên đánh đồng vấn đề giới hạn chi tiêu với chính sách khắc khổ. Các quốc gia có mức nợ công và thâm hụt quá cao sẽ cần phải hết sức thận trọng về vấn đề này. Như Italia hiện có mức thâm hụt ngân sách hơn 7% trong khi nợ công cũng đã vượt 135% GDP”.
Đối với Pháp, quyết định của EC diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi chưa đầy 2 tuần nữa, Pháp sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Các đảng đối lập tại Pháp đều đang theo đuổi các chính sách mang tính dân tuý với những hứa hẹn chi tiêu “tốn kém” để thu hút cử tri bất chấp điều này sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công của Pháp.