Vì sao xảy ra đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?
VOV.VN - Nguyên do cho cuộc đảo chính này nằm ở các vụ khủng bố liên tiếp vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như thái độ “quá cứng rắn” của Tổng thống Erdogan.
Tin tức về vụ đảo chính quân sự, trong đó các binh sĩ làm đảo chính đã chiếm giữ nhiều điểm chiến lược ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, cho thấy bất ổn bên trong Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Erdogan phát biểu với truyền thông sau khi nổ ra đảo chính. Ảnh: Reuters.
Bối cảnh đảo chính là một chuỗi các cuộc tấn công khủng bố trên đất Thổ được cho là liên quan đến nhóm khủng bố IS và lực lượng PKK của người Kurd, trong lúc cuộc chiến Syria đã bước sang năm thứ 6.
Hồi đầu tháng 6/2016, 11 người chết và nhiều người khác bị thương khi xảy ra nổ bom ở trung tâm Istanbul. Hai tuần sau, một vụ đánh bom tự sát ở sân bay quốc tế Istanbul làm 42 người chết và hơn 200 người bị thương.
Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Erdogan đã khiến nhiều người trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại. Quân đội Thổ vẫn xem mình là người bảo vệ cho di sản thế tục của nước này. Những lời lẽ của ông Erdogan đã làm phân cực đất nước và đổ thêm dầu vào căng thẳng sắc tộc và giáo phái ở quốc gia Hồi giáo này.
Việc ông Erdogan can dự vào khủng hoảng Syria, chống lại Tổng thống Syria al-Assad và hậu thuẫn cho các nhóm Hồi giáo đối lập ở Syria đã vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ quan hệ hòa hiếu với láng giềng.
Việc gây xung đột trở lại với PKK sau thời kỳ ngừng bắn 2 năm càng làm cho các vấn đề thêm phức tạp.
Giới quan sát tình hình Thổ từ lâu đã cảnh báo vấn đề người Kurd có thể khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải ra tay nhưng ít người ngờ rằng sẽ nổ ra đảo chính.
Khối quân sự NATO sốc vì đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Gonul Tol, trên ấn phẩm Foreign Affairs, cho biết: “Nếu ông Erdogan sử dụng biện pháp trấn áp tàn bạo bằng cảnh sát, gây ra thêm hỗn loạn và đổ máu thì công chúng có thể yêu cầu giới tướng lĩnh phải hành động. Nhưng ngay cả trong kịch bản đó, giới tướng lĩnh sẽ nghiêng về can thiệp bằng biện pháp chính trị hơn là quân sự để gây sức ép buộc chính phủ từ chức”./.