Thủ tướng: Xây dựng phương án ứng phó phù hợp thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.
Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023”.
Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản; chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản; đại diện các tổ chức quốc tế.
Tăng trưởng có xu hướng chậm lại
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD; đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng
Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...
Tăng trưởng có xu hướng chậm lại, không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt một số lĩnh vực như lâm sản, thủy sản đã sụt giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị (quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%); số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kết quả sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản năm 2023. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đưa giá trị xuất khẩu: lâm sản năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD và thủy sản đạt 10 tỷ USD.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản, nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều ý kiến tham luận rất thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, đặc biệt là của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản. Các đại biểu đã chủ động đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần thiết thực đối với sự phát triển của ngành gỗ, lâm sản và thủy sản, sự phát triển của các doanh nghiệp, người lao động và của bà con nông, ngư dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương vai trò, vị trí ngày càng lớn mạnh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong sự nghiệp phát triển của các ngành; khẳng định sự đồng hành hiệu quả của cộng đồng các doanh nghiệp về gỗ, lâm sản và thủy sản với Chính phủ qua việc triển khai các chương trình được nêu trong các báo cáo, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế, mở rộng hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam.
Phải đoàn kết xử lý vấn đề phát sinh, vướng mắc
Thủ tướng đã phân tích tình hình trong nước và thế giới, đồng thời chỉ rõ quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Đặc biệt, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Thủ tướng cho biết, trong quá trình phát triển không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, vì vậy càng trong khó khăn, thách thức càng phải bình tĩnh, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để có định hướng xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, quyết tâm, nỗ lực để xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay; xử lý các vướng mắc, phát sinh về vốn, tín dụng cần có sự vào cuộc, hỗ trợ, chia sẻ giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người sản xuất.
Thủ tướng đề nghị quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan quản lý kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản phát triển bền vững; ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời chú trọng khai thác thị trường trong nước; tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế; đẩy mạnh phòng, chống gian lận xuất xứ; quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU của EC.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các Hiệp hội. VASEP và VIFOREST có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, gắn kết hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành trước những cơ hội và thách thức mới; là ngôi nhà chung của cộng đồng các doanh nghiệp, là cầu nối, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên; sát cánh cùng các thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc; càng trong khó khăn, lại càng phải đoàn kết, chung sức tháo gỡ để cùng phát triển.
Xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp theo thẩm quyền thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản, bảo đảm không để kiến nghị của doanh nghiệp không được xử lý.
Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.
Trong lúc thị trường xuất khẩu tạm thời bị co hẹp, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ trong việc tháo gỡ các chính sách.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, hiệp hội triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về “Giống”, “Thức ăn NTTS” và “Hormone HCG” là mấu chốt gia tăng tỷ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…
Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu./.