Chuyên gia Singapore đánh giá cao về Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 là kết quả từ sự nỗ lực điều phối của Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị trong 3 tháng qua ở các cấp.
Ngày 14/4, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua hình thức họp trực tuyến.
Hai hội nghị đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn Thạc sỹ Hoàng Thị Hà, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhằm đánh giá về kết quả Hội nghị cũng như vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong dẫn dắt các nỗ lực chung của khu vực đối phó với dịch bệnh COVID-19.
PV: Bà đánh giá như thế nào về kết quả Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3?
Thạc sỹ Hoàng Thị Hà: Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 là kết quả từ sự nỗ lực điều phối của Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị trong 3 tháng qua ở các cấp làm việc và cấp bộ trưởng của các ngành liên quan trong ASEAN, đặc biệt là y tế, ngoại giao, quốc phòng, và kinh tế. Có 3 điểm nổi bật đáng chú ý tại các sự kiện này:
Thứ nhất, hai Hội nghị gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, phối hợp hành động và hợp tác khu vực trước hết trong phòng chống dịch COVID-19. Các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác chặt chẽ với 3 nước đối tác vốn có nguồn lực lớn về công nghệ, y tế và tài chính để đối phó với dịch bệnh.
Ví dụ, Trung Quốc có năng lực sản xuất thiết bị y tế hùng hậu và cơ sở dữ liệu lớn về dịch tễ vốn rất cần thiết cho việc nghiên cứu thuốc điều trị và sản xuất vắcxin. Hàn Quốc rất mạnh về các bộ xét nghiệm nhanh chất lượng cao và những biện pháp kiểm soát dịch hiệu quả. Nhật Bản cũng đang có những tiến triển khả quan về nghiên cứu vắcxin COVID-19.
Thứ hai, ngoài ưu tiên hàng đầu về y tế, vấn đề kinh tế cũng được thể hiện rõ nét tại hai hội nghị. Điều này xuất phát từ thực tế là các quốc gia khu vực Đông Á có sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.
Trước mắt, việc thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng khu vực đang gặp nhiều rào cản do các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cắt giảm đường bay, đặc biệt là việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và y tế chiến lược ở nhiều quốc gia.
Bởi vậy, quyết định tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN về bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với nhu yếu phẩm, là rất quan trọng. Việc thực hiện quyết định này không dễ dàng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, khi mà diễn biến dịch còn phức tạp và nguyên tắc quốc gia "tự cứu mình" được đặt lên trên hết.
Tuy nhiên nếu được thực hiện, quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với tinh thần đoàn kết ASEAN bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đây là sự thể hiện cao nhất của tinh thần “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng” mà Việt Nam đang tích cực thúc đẩy trong ASEAN.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí với một số biện pháp cụ thể về hợp tác khu vực trong phòng chống dịch. Đáng chú ý là việc xem xét thành lập Quỹ ASEAN về Ứng phó Dịch COVID-19, đồng thời nâng cấp khả năng ứng phó dịch bệnh của các cơ chế khu vực vốn lâu nay thiên về ứng phó với thiên tai.
Việc triển khai các biện pháp này trên thực tế vẫn cần nhiều thời gian và thảo luận trong nội bộ ASEAN, do đó chúng có giá trị về dài hạn hơn là ngắn hạn. Điều cần được làm và có thể làm ngay lập tức là những cam kết chính trị và hành động thực tế của các nước ASEAN+3 về tạo điều kiện và hỗ trợ cho công dân đang bị mắc kẹt tại một nước khác.
PV: Bà có thể cho biết đánh giá của mình về vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực để đối phó với dịch bệnh COVID-19?
Thạc sỹ Hoàng Thị Hà: Dịch COVID-19 đặt ra một thách thức chưa từng có trong lịch sử ASEAN trên nhiều phương diện, bởi nó không chỉ là một đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng mà còn gây khủng hoảng kinh tế và đứt gãy kết nối khu vực và toàn cầu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước thành viên phải đóng cửa biên giới với nhau, hạn chế đi lại của người dân trong khu vực. ASEAN thậm chí còn không thể sử dụng phương thức truyền thống là họp trực tiếp và thường xuyên để giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực. Đây thực sự là phép thử cao nhất với chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng” trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực nêu cao tinh thần đoàn kết ASEAN và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN phòng chống dịch. Có3 điểm đáng chú ý:
Thứ nhất là sự kịp thời và chủ động ngay trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh thông qua việc kích hoạt hình thức họp trực tuyến. Ngày 14/2, Việt Nam sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh tính cấp thiết của sự bùng phát dịch, đồng thời đề xuất phối hợp hành động thông qua chia sẻ thông tin dịch tễ kịp thời, hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN và phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu.
Ngoài ra, với sự tham gia ngay từ đầu của kênh quốc phòng, sáng kiến của Việt Nam về Diễn tập trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 giữa quân y các nước ASEAN sớm được triển khai. Các bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng có những tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng ứng phó tập thể trong phòng chống dịch. Các kênh y tế ASEAN liên tục chia sẻ thông tin định kỳ về tình hình dịch ở từng nước thành viên.
Thứ hai là tầm quan trọng của cách tiếp cận liên ngành cấp khu vực trong phòng chống COVID-19. Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của Hội đồng Điều phối ASEAN thông các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến, đồng thời thành lập nhóm quan chức cấp cao nhằm phối hợp đa ngành trong ứng phó với COVID-19 giữa các nước thành viên ASEAN. Hội đồng Điều phối ASEAN và nhóm liên ngành này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 14/4 về hợp tác khu vực phòng chống dịch.
Thứ ba, Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua kênh ASEAN, đặc biệt với các nước Đối thoại và trong khuôn khổ ASEAN+3. Điều này trước hết có ý nghĩa thiết thực trên phương diện y tế nhằm trao đổi thông tin kịp thời về việc nghiên cứu, sản xuất và cung cấp thuốc điều trị cũng như vắcxin chống COVID-19.
Ngoài ra, trong bối cảnh các nước trong và ngoài ASEAN đều đóng cửa vì dịch bệnh, sự kiên trì hợp tác quốc tế có tầm quan trọng dài hạn về mặt kinh tế cũng như địa chính trị, góp phần hạn chế tối thiểu những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, khôi phục thương mại và đầu tư quốc tế hậu dịch một cách nhanh chóng, đồng thời duy trì cấu trúc khu vực mở, thu nạp.
PV: Bà có nhận xét gì về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam?
Thạc sỹ Hoàng Thị Hà: Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cho đến nay thực sự ấn tượng, tạo được lòng tin của người dân trong nước và sự quan tâm, khen ngợi của quốc tế. Việc chia sẻ đường biên giới dài và giao thương nhộn nhịp với Trung Quốc rất dễ khiến Việt Nam nổi lên thành điểm nóng của dịch.
Tuy nhiên, sự dễ tổn thương này cũng tạo thành một ý thức cảnh giác cao, khiến cho Việt Nam kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm để ngăn chặn dịch. Bài học từ dịch viêm đường hô hấp cấp SARS nhiều năm trước cũng góp phần tăng cường ý thức và năng lực chống dịch sớm từ phía Việt Nam. Trong quá trình phòng chống dịch, Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước, đặc biệt ở Đông Á, nhưng có những điều chỉnh linh hoạt và quyết đoán chính trị cho phù hợp với đặc thù của đất nước.
Cùng với Singapore, Việt Nam là một trong hai nước ASEAN đầu tiên hạn chế đường bay với Trung Quốc và đóng cửa biên giới trên bộ ngay sau đó. Sự cảnh giác này còn thể hiện ở nhiều biện pháp phòng ngừa sớm ngay tại thời điểm chớm dịch cho dù khi đó chưa hội tụ đủ thông tin dịch tễ. Ví dụ, hầu hết các tỉnh ở Việt Nam đều đóng cửa trường học từ sau Tết Nguyên đán, bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 16/3. Trong khi đó, Singapore mới chỉ bắt buộc đeo khẩu trang.
Các biện pháp ngăn chặn sớm cũng bắt nguồn từ việc Việt Nam ý thức rõ những hạn chế nội tại của hệ thống y tế trong nước, đặc biệt là khả năng xét nghiệm cộng đồng hạn chế và thiếu hụt nghiêm trọng về máy thở. Do đó, trong giai đoạn hai của dịch (đầu tháng 3), chính sách chống dịch của Việt Nam đã có những điều chỉnh theo hướng quyết liệt hơn để kiềm chế sự lây lan đột biến trong cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế.
Điều này thể hiện rõ nét trong quyết định cách ly tập trung bắt buộc, thay vì cách ly tại gia, đối với người nhập cảnh Việt Nam từ ngày 18/3 từ các nước ASEAN, sau đó với tất cả hành khách từ mọi quốc gia. So sánh với Singapore, các biện pháp cách ly tại nhà bắt đầu từ ngày 16/3 và cách ly tập trung bắt buộc chỉ được áp dụng từ ngày 10/4.
Cách ly tập trung bắt buộc cũng được đánh giá là phương án khả thi hơn đối với Việt Nam, so với phương án xét nghiệm cộng đồng trên diện rộng mà các nước có nguồn lực lớn hơn như Hàn Quốc hay Đức đã làm. Thay vào đó, xét nghiệm được ưu tiên cho các khu vực có nguy cơ cao hay những đối tượng tiếp xúc gần với người bị nhiễm.
Một điểm nổi bật khác là Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để chống dịch, với sự ủng hộ cao của người dân. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Dalia ngày 1/4 cho thấy, mức độ tin tưởng của người dân Việt Nam đối với các biện pháp chống dịch của chính phủ là cao nhất trong số 45 quốc gia được khảo sát với 62% (Singapore đứng thứ tư với 57%).
Đặc biệt, quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng quan trọng, đi đầu trong việc chống dịch, giúp tăng cường năng lực cung cấp hậu cần và cơ sở cách ly tập trung, củng cố công tác biên phòng, truy xuất hành trình trên diện rộng và truy xuất tiếp xúc gần với người nhiễm.
Cuối cùng, điều đặc biệt tôi muốn nêu lên ở đây là: mặc dù có nguồn lực hạn chế nhưng chính sách phòng chống dịch của Việt Nam được xem là rất thân thiện với người nghèo và người nước ngoài, khác với nhiều quốc gia phát triển khác.
Ví dụ như việc miễn phí xét nghiệm và cách ly đối với người nước ngoài, miễn phí xét nghiệm, cách ly, điều trị với người Việt Nam. Đối với người nghèo vốn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, việc được tiếp cận với các biện pháp phòng dịch và chữa bệnh khi nhiễm giúp nâng cao hiệu quả chống dịch của toàn xã hội.
Đối với người nước ngoài, rất nhiều người trong số họ đã lên tiếng cảm kích những chăm sóc và hỗ trợ trong thời gian họ cách ly và điều trị tại Việt Nam. Điều này thực sự góp phần nâng cao uy tín của đất nước trong cộng đồng quốc tế./.