Chiến đấu cơ nội địa KF-21 của Hàn Quốc hứa hẹn khuấy đảo thị trường vũ khí

VOV.VN - Hàn Quốc ngày 9/4 trình làng máy bay chiến đấu siêu thanh nội địa đầu tiên có tên gọi KF-21.

Bước tiến này sẽ giúp Seoul gia nhập câu lạc bộ các “ông lớn” độc quyền trong ngành sản xuất máy bay quân sự trên thế giới, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình trị giá 5,2 tỷ USD, được kỳ vọng giúp Hàn Quốc vươn lên thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong nước.  

Gia nhập câu lạc bộ các “ông lớn” độc quyền

Sau khi đi vào hoạt động, chiến đấu cơ KF-21 dự kiến sẽ được trang bị một loạt tên lửa không đối không, không đối đất, thậm chí cả tên lửa hành trình phóng từ trên không. Máy bay chiến đấu động cơ đôi này sẽ có các phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại lễ ra mắt chiến đấu cơ KF-21 (có biệt danh Boramae hay “chim ưng non được huấn luyện để săn bắt”) tại nhà máy sản xuất Korea Aerospace Industries ở Sacheon tỉnh Nam Gyeongsang, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Một kỷ nguyên phòng thủ độc lập mới đã bắt đầu. Đây cũng là một mốc lịch sử trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp hàng không Hàn Quốc”.

Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không, nước này sẽ bắt tay vào sản xuất đại trà chiến đấu cơ KF-21, với mục tiêu triển khai 40 chiếc vào năm 2028 và 120 chiếc vào năm 2032.

“Khi quá trình sản xuất đại trà quy mô lớn bắt đầu, sẽ có khoảng 100.000 vị trí việc làm được tạo ra. Giá trị gia tăng của sản phẩm dự kiến đạt 5,9 nghìn tỷ won (tương đương 5,2 tỷ USD). Lợi nhuận sẽ lớn hơn nhiều nếu chúng được xuất khẩu sang các quốc gia khác”, ông Moon Jae-in nói.

Hàn Quốc dự kiến sẽ sản xuất 6 chiếc máy bay KF-21 dành riêng cho việc thử nghiệm và phát triển. 3 chiếc đầu tiên sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021 và 3 chiếc còn lại sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2022, Cơ quan quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết.

Mặc dù chỉ có 65% thiết bị và phụ tùng của KF-21 được sản xuất tại Hàn Quốc, nhưng sự xuất hiện của chiến đấu cơ này vẫn đánh dấu một thành tựu to lớn đối với quốc gia không có lịch sử lâu đời về sản xuất máy bay.

Tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Khi các đợt thử nghiệm cuối cùng được hoàn tất trong tương lai, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới phát triển máy bay chiến đấu siêu thanh tiên tiến”.

Các nước nằm trong câu lạc bộ “ông lớn” độc quyền trong ngành hàng không quân sự bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển, Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Trong số này, chỉ có Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đã triển khai máy bay chiến đấu nội địa thế hệ thứ 5, được tích hợp các công nghệ tàng hình, khả năng gây nhiễu radar và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến tích hợp các dữ liệu trên máy bay và các dữ liệu thu nhận từ xa để cung cấp cho phi công bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của họ, Trung tâm Năng lực Sức mạnh Không quân Chung của NATO cho biết.

Mặc dù DAPA coi KF-21 là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 bởi nó thiếu khoang vũ khí bên trong nhưng các nhà phân tích cho biết, máy bay này có thể bay cao và nhanh hơn F-35 - tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 mới nhất của Mỹ, trong khi vẫn mang được tải trọng vũ khí lớn.

CNN dẫn tuyên bố của DAPA cho biết: “KF-21 là máy bay chiến đấu đầu tiên được sản xuất bằng các công nghệ trong nước. Điều này cho thấy, Hàn Quốc hiện giờ đã có thể tự chế tạo máy bay chiến đấu. Đây cũng sẽ là bước đệm nhằm phát triển các máy bay chiến đấu tối tân hơn và vận hành các loại vũ khí sản xuất nội địa”.

KF-21 là dự án chung do Hàn Quốc phối hợp với Indonesia thực hiện, trong đó Seoul nắm 80% cổ phần và Jakarta năm 20% cổ phần. Tại lễ ra mắt, Tổng thống Moon Jae-in đã đánh giá cao vai trò của Indonesia: “Tôi cảm ơn chính phủ Indonesia đã trở thành một đối tác tin tưởng vào tiềm năng của Hàn Quốc”.

Chiến đấu cơ KF-21 dự kiến sẽ thay thế các tiêm kích F-4 và F-5 của Hàn Quốc. F-4 và F-5 là những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 do Mỹ chế tạo, được ra mắt vào những năm 1960. Nếu quá trình sản xuất được đẩy nhanh, KF-21 có thể thay thế cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 là F-16 và F-15K của Hàn Quốc, nhà phân tích Abraham Ait, tổng biên tập tạp chí Military Watch nhận định. Hàn Quốc hiện đang vận hành các tiêm kích tàng hình F-35, với chiếc đầu tiên được tiếp nhận vào năm 2018.  Seoul đã kí hợp đồng mua 40 chiếc F-35A từ Lockheed Martin vào năm 2014 với tổng trị giá 6,4 tỉ USD.

Hứa hẹn khuấy đảo thị trường vũ khí

Không chỉ có khả năng thay thế hàng trăm máy bay chiến đấu trong các phi đội của Hàn Quốc, chiến đấu cơ KF-21 còn là mặt hàng quân sự có tiềm năng xuất khẩu lớn bởi giá của nó dự kiến thấp hơn nhiều so với giá của tiêm kích F-35 mà Mỹ bán cho các quân đội nước ngoài.

Nhà phân tích Ait cho rằng, Thái Lan, Philippines, thậm chí Iraq “có thể trở thành khách hàng hàng đầu của dòng máy bay này”. Ông lưu ý, cả 3 quốc gia trên đều vận hành những loại máy bay chiến đấu tương tự như những loại mà KF-21 sẽ thay thế trong phi đội của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, họ cũng là khách hàng mua máy bay tấn công hạng nhẹ được sản xuất nội địa của Hàn Quốc.

Nếu KF-21 được quảng bá thành công, nó sẽ mở ra xu hướng mới trong việc phát triển các dòng máy bay tương lai của Hàn Quốc. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đã tăng cao hơn 210% so với 5 năm trước đó, đưa quốc gia này chiếm 2,7% thị phần của thị trường vũ khí toàn cầu.

Người phát ngôn của chính phủ Hàn Quốc Lim Se-eun hôm 8/4 cho biết, Hàn Quốc có kế hoạch tự xây dựng năng lực giám sát, trinh sát, khả năng tác chiến điện tử, tăng cường hệ thống phòng không, chế tạo các loại vũ khí dẫn đường mạnh mẽ, xây dựng hệ thống vệ tinh định vị độc lập và đảm bảo năng lực chiến tranh không gian - tất cả đều hướng đến mục tiêu gia nhập danh sách 7 quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không toàn cầu vào năm 2030./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 - Chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới
Tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 - Chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới

VOV.VN - Với các tính năng kỹ-chiến thuật siêu hạng, được tích hợp vũ khí siêu đẳng, tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 của Nga sẽ là chiến đấu cơ nguy hiểm nhất hành tinh trong các thập kỷ tới.

Tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 - Chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới

Tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 - Chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới

VOV.VN - Với các tính năng kỹ-chiến thuật siêu hạng, được tích hợp vũ khí siêu đẳng, tiêm kích đánh chặn thế hệ mới MiG-41 của Nga sẽ là chiến đấu cơ nguy hiểm nhất hành tinh trong các thập kỷ tới.

Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ gặp sự cố, phải hạ cánh bằng mũi
Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ gặp sự cố, phải hạ cánh bằng mũi

VOV.VN - Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, 1 máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ bị hỏng bộ phận bánh đáp phía trước phải hạ cánh bằng mũi xuống căn cứ Không quân Eglin, Florida, Mỹ hôm qua 15/3.

Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ gặp sự cố, phải hạ cánh bằng mũi

Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ gặp sự cố, phải hạ cánh bằng mũi

VOV.VN - Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, 1 máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ bị hỏng bộ phận bánh đáp phía trước phải hạ cánh bằng mũi xuống căn cứ Không quân Eglin, Florida, Mỹ hôm qua 15/3.

Vì sao F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực dù có gần 900 lỗi phần mềm và phần cứng?
Vì sao F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực dù có gần 900 lỗi phần mềm và phần cứng?

VOV.VN - Bloomberg trích dẫn một số thông tin trong báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho biết, F-35 hiện có 871 lỗi phần mềm và phần cứng.

Vì sao F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực dù có gần 900 lỗi phần mềm và phần cứng?

Vì sao F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực dù có gần 900 lỗi phần mềm và phần cứng?

VOV.VN - Bloomberg trích dẫn một số thông tin trong báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho biết, F-35 hiện có 871 lỗi phần mềm và phần cứng.