Cây thanh thất phủ xanh trên vùng núi đá khô cằn Ninh Thuận
VOV.VN - Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã đưa vào trồng hàng ngàn ha nhiều loài cây chịu hạn như neem, phi lao, trôm, đặc biệt là cây thanh thất trên vùng đồi núi ven biển huyện Thuận Nam. Qua đó góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống biến đổi khí hậu.
Lạ thay cây thanh thất
Khu vực ven biển thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nơi có nhiều dãy núi, ở đó đá chồng lên đá nối kết nhau bằng màu xanh của cây thanh thất. Loài cây này, gia súc không ăn được nhưng do thân thẳng ít phát tán, nên cây bụi và dây leo có thể phát triển bên dưới và cũng là phần thức ăn cho đàn gia súc chăn thả rông của người dân.
Chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 200c, thuộc địa bàn xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, phóng tầm mắt quan sát, xung quanh là đồi núi lởm chởm những tảng đá to nhỏ, xen vào đó là những thân cây thanh thất khẳng khiu đang vươn mầm xanh, trổ nhánh trên cành.
Anh Nguyễn Sỹ Khuynh, kỹ thuật viên Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, do những ngày vừa qua trên địa bàn có mưa nên cây thanh thất đang bung nhánh, trổ lá non.
“Cây này cũng được 7 năm. Năm 2015 trồng thực nghiệm mô hình này, qua 1 năm khảo sát thấy cây sinh trưởng tốt, rồi gia súc cũng không cắn phá cây trồng, từ đó Ban đã đề xuất trồng loại cây này để phủ xanh khu vực nơi đây vào năm 2016”, anh Nguyễn Sỹ Khuynh nói.
Theo ông Lê Văn Hiệp, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, cây thanh thất xuất xứ từ cây bản địa, quá trình đi kiểm tra rừng tự nhiên thấy loại cây này có ưu điểm với vùng đất ven biển Thuận Nam, nên đã đem hạt về gieo ươm trồng thử nghiệm.
Đánh giá cao khả năng thích ứng, phát triển trên vùng núi đá khô hạn của cây thanh thất, năm 2016, bằng nguồn hỗ trợ của Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (Dự án JICA2), Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã đề xuất trồng rừng phòng hộ bằng cây thanh thất, thay cho các loại cây không còn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
“Đơn vị chọn cây thanh thất này trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn sạt lở, nâng cao độ che phủ của rừng. Qua theo dõi, hiện nay, tỷ lệ cây sống trên 80% so với mật độ trồng ban đầu, khả năng chịu hạn cũng rất tốt. Mùa hạn cây này cũng rất xanh”, ông Lê Văn Hiệp cho hay.
Cây thanh thất phủ xanh vùng núi đá khô cằn
Tính đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã trồng hơn 568 ha cây thanh thất trên các địa bàn xã Phước Nam, Phước Minh và Phước Dinh. Rừng trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao trung bình từ 2m – 5m, đường kính gốc bình quân từ 8 cm - 12 cm, đường kính tán từ 1,2m – 3 m. Hiện, đơn vị cũng đang gieo ươm hơn 100.000 cây thanh thất.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, khu vực bán khô hạn kéo dọc từ huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và Thuận Nam, việc phát triển rừng ở đồi núi ven biển gặp nhiều khó khăn do những bất lợi về thời tiết, địa hình và thói quen chăn thả gia súc của người dân địa phương.
Nhiều năm trước, được sự đầu tư của UBND tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã từng trồng các loại cây chịu hạn như neem, phi lao, cóc hành, keo lai, bạch đàn… lên vùng núi đá này nhưng kết quả không được như mong muốn, những cây non mới trồng đều bị gia súc cắn phá gây hư hại. Vì vậy, với những lợi thế của cây thanh thất, ngành nông nghiệp đang nhân rộng trên diện tích rừng phòng hộ thích hợp với loại cây này.
Ông Hồ Sỹ Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, toàn diện tích trồng cây thanh thất sau 5 năm đã thành rừng theo tiêu chí của Luật Lâm nghiệp, được cập nhật vào diện tích rừng trồng hàng năm: “Đối với loại cây này, hiệu quả về môi trường mang lại rất thiết thực. Sắp tới, ngành cũng phân vùng để lựa chọn các loại cây trồng cho phù hợp để tăng tỷ lệ che phủ, đảm bảo thực hiện đúng theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ là đến năm 2025, độ che phủ của rừng ở Ninh Thuận đạt 49%”.
Bén rễ và phát triển tốt sau 8 năm kể từ ngày được Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam trồng thử nghiệm, cây thanh thất đang dần phủ xanh những vùng núi đá khô cằn phía Nam của tỉnh vốn trước đây chỉ nhìn thấy đá, mở ra cơ hội tăng độ che phủ rừng, đồng thời, góp phần cải thiện môi trường địa phương./.