TP Điện Biên Phủ lên tiếng về đơn kêu cứu của người dân phường Thanh Trường
VOV.VN - UBND thành phố Điện Biên Phủ đã có trả lời về đơn kêu cứu của các hộ dân phường Thanh Trường về việc cưỡng chế đất.
Người dân nhầm tưởng giữa xử lý vi phạm hành chính và thu hồi đất cho dự án
Các công trình không phép |
Theo đó, các hộ dân trên đều là những hộ xây dựng nhà trái phép từ những năm 2013 và 2014, tổ công tác liên ngành của tỉnh, Sở Xây dựng lập biên bản kiểm tra, xác định vi phạm trong năm 2016. Đến nay, khi đã đủ các điều kiện, UBND thành phố sẽ thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức yêu cầu các hộ dân xây dựng vi phạm phá dỡ các công trình không phép, hoàn trả lại mặt bằng. Riêng trong đầu năm 2019, UBND thành phố đã thực hiện đối với hộ gia đình nhà ông Nguyễn Mạnh Hùng (thuộc tổ 5) và tiếp tục làm với 6 hộ khác cùng địa bàn.
Việc phá dỡ các công trình vi phạm này nhằm để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đô thị xây dựng, quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố. Do đó, việc người dân có ý kiến cho rằng UBND thành phố Điện Biên Phủ cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án Nam Thanh Trường là không có cơ sở.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, tất cả 61 hộ dân xây dựng vi phạm trong khu vực sẽ phải thực hiện công tác cưỡng chế, bàn giao lại mặt bằng, khôi phục lại toàn bộ mặt bằng hiện trạng như trước đây.
Trước khi thực hiện công tác cưỡng chế đối với các hộ vi phạm, UBND thành phố đã tổ chức tuyên truyền từ tổ dân phố cho đến cấp phường, thậm chí thành lập ban chỉ đạo việc thực hiện công tác tuyên truyền để trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, mời từng hộ dân lên đối thoại lắng nghe ý kiến. Bản thân một số hộ gia đình khi tự nguyện tháo dỡ vẫn nắm được, ý thức được việc làm của họ là sai trái. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến khiếu nại đến các cấp cao hơn vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, người dân đang hiểu nhầm về việc triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính của chính quyền thành phố, cho rằng thành phố cưỡng chế đất của người dân giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án đô thị mới là không đúng bởi dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường do UBND tỉnh Điện Biên trực tiếp chỉ đạo chủ trương việc triển khai thực hiện.
Đây cũng là một dự án quan trọng, đảm bảo sự mong mỏi của các hộ dân trên địa bàn. Đến nay dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, được 70/90 hộ đồng tình dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị thực hiện công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng, còn Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ là cơ quan phối hợp để thực hiện công tác tuyên truyền vận động người dân. Còn việc phá dỡ các công trình xây dựng vi phạm không phép đối với các hộ dân nêu trên là không liên quan đến dự án Nam Thanh Trường.
Những bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao người dân trên địa bàn xây dựng các công trình không phép từ rất lâu, song đến nay chính quyền địa phương mới rốt ráo thực hiện gây hoang mang, xôn xao trong dư luận về việc doanh nghiệp lợi dụng chính quyền thu trắng đất của người dân phục vụ cho dự án, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ cho biết, đây là những bất cập trong công tác quản lý đất đai vào thời điểm đó, việc xử lý còn có sự đùn đẩy trách nhiệm.
Thực chất những diện tích đất nông nghiệp đó là của Công ty cây công nghiệp Điện Biên giao khoán cho các hộ dân với thời gian 50 năm (từ ngày 1/7/1995) để quy hoạch sản xuất, bố trí cây trồng. Người dân có quyền chủ động sản xuất các cây trồng trên đất nhận khoán và hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư cho cây trồng đó. Đồng thời được sử dụng một phần đất để làm lán tạm bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất, làm sân phơi, đào giếng nước, kênh cống thoát nước… với diện tích trên đất nhận khoán là 100m2. Được đền bù giá trị đã đầu tư trên đất nhận khoán trong trường hợp nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất giao khoán để phục vụ vào mục đích khác. Tuy nhiên, sau khi Công ty cây công nghiệp Điện Biên hoạt động không hiệu quả, không còn thu mua nông sản cho người dân nên nhiều hộ nhận khoán đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mua đi bán lại nhiều lần và xây dựng các công trình khác như nhà ở kiên cố…
Trước năm 2013, việc quản lý đất đai đó do nông trường quản lý và thời điểm đó thành phố cũng đã có các biên bản xác định là các hộ vi phạm. Tuy nhiên, do thời điểm đó việc xác định cơ sở giữa đất của phường, thành phố và đất nông trường chưa xác định rõ ràng cho nên việc xử lý đã có sự đùn đẩy. Điều đó dẫn đến việc các hộ dân thực hiện xây dựng các công trình không phép nhưng chưa bị xử lý. Đặc biệt vào năm 2014, khi bàn giao đất lại từ nông trường cho thành phố quản lý, nhiều người dân cũng đã lợi dụng thời điểm chuyển giao này để xây dựng các công trình không phép kiên cố.
Đến năm 2016, khi tổ công tác liên ngành của tỉnh tiếp tục lập biên bản, xác định rõ đây là những hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp và tất cả khu vực này đều đã có quy hoạch xây dựng như: Quy hoạch khu đô thị mới Nam Thanh Trường; quy hoạch tái định cư sân bay số 3; quy hoạch Trung tâm Văn hóa thông tin của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư… thì UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để xác minh lại toàn bộ những sai phạm kể cả của tổ chức và người dân để xử lý.
Còn việc thực hiện bồi thường công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này UBND tỉnh vẫn sẽ thực hiện đối với các hộ trên theo đúng quy định của pháp luật, bố trí đất cho những hộ dân tái định cư thuộc khu vực trên. Tuy nhiên, đối với những hộ chấp hành nghiêm chính sách, quy định của pháp luật nằm trong diện được xem xét thì nhà nước sẽ xem xét bố trí đất tái định cư tại khu vực đó.
Sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân
Để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân, chính quyền thành phố đã xem xét kiểm tra rõ các hồ sơ, các cơ sở pháp lý để lên phương án tính toán bồi thường cho các hộ dân, đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của nhà nước, lợi ích của dân và cộng đồng xã hội.
Bản thân các hộ dân trước khi xây dựng đều đã có hợp đồng với Công ty cây Công nghiệp Điện Biên là chỉ được phép xây dựng 100m2 trên khuôn viên đó và đến hiện nay chính quyền vẫn tôn trọng việc xây dựng đó. Còn việc người dân tự chuyển đổi xây dựng là đã tự ý thức được việc làm sai của mình, nhưng vẫn cố tình làm. Trong trường hợp này đối với các hộ dân có hợp đồng với Công ty cây Công nghiệp Điện Biên được xây dựng lán tạm vẫn sẽ được bồi thường 100%, những trường hợp xây dựng quá sẽ được hỗ trợ 80% nhưng đó là trường hợp những hộ dân xây dựng đúng quy định, không lấn sang các vấn đề khác và nguyên thổ thì vẫn sẽ được xem xét hỗ trợ.
Còn đối với việc người dân mua bán ngầm đất, thậm chí có những hộ đã mua đi bán lại hàng chục lần thì theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, bản thân chính quyền cũng không nắm được. Do đó đương nhiên việc mua bán không đúng các quy định của pháp luật sẽ không được công nhận, nên những người mua bán sau không tìm hiểu rõ là những người phải chịu thiệt đầu tiên. Việc mua bán viết tay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có giấy tờ hợp pháp thì đều coi là giao dịch bất hợp pháp và nếu phát hiện thì đều phải xử lý.
Nguyên tắc khi thực hiện công tác cưỡng chế giải phóng mặt bằng thì các hộ dân phải thực hiện chi trả tiền cho việc thực hiện công tác cưỡng chế của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay người dân hầu như là không thực hiện việc đó, do đó buộc phải sử dụng đến kinh phí của nhà nước. Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ cũng phải căn cứ vào lượng kinh phí thực hiện hàng năm để triển khai đảm bảo 61 hộ dân trên xây dựng vi phạm đều phải thực hiện nghiêm túc tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm.
Trong năm nay, UBND thành phố đã bố trí được trên 500 triệu đồng và sẽ thực hiện phá dỡ công trình vi phạm đối với 10 hộ. Trong năm tới chúng tôi sẽ dự kiến bố trí thêm kinh phí 500 triệu nữa và tiếp tục thực hiện với 10 hộ tiếp theo. Quan điểm đối với 61 hộ xây dựng vi phạm trên địa bàn, trên cơ sở kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm và căn cứ vào kinh phí thực hiện của thành phố chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện xử lý tất cả các hộ xây dựng vi phạm tại khu vực Nam Thanh Trường. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ khẳng định./.