Vẹn nguyên cảm xúc ngày đón Bác Hồ vào thăm Quảng Bình
VOV.VN - Đã 63 năm kể từ ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, những người vinh dự được gặp Bác không bao giờ quên được hình ảnh và tình cảm ấm áp của Bác.
Trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt, Quảng Bình, Vĩnh Linh trở thành nơi tuyến đầu của miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Để động viên cán bộ và nhân dân nơi đây vượt qua khó khăn, ngày 16/6-/1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình. Dừng chân tại đây chưa trọn 24 giờ, Bác Hồ đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho nhân dân Quảng Bình. Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác là nhiều người ở đây nhắc lại câu chuyện này với niềm tự hào.
Bà Trần Thị Nam Kỷ, 77 tuổi, ở tiểu khu 3, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình rưng rưng nước mắt khi xem lại những hình ảnh về Bác Hồ. Nhớ lại năm 15 tuổi, bà được tham gia đón Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, được nhìn thấy và nghe Bác nói chuyện với bà con quê mình.
Bà Trần Thị Nam Kỷ (người cầm hoa đứng cạnh Bác Hồ) cùng đoàn văn công chụp ảnh lưu niệm với Bác. |
Năm 1966, khi công tác ở Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Quảng Bình, bà Nam Kỷ may mắn được ra Hà Nội gặp Bác Hồ và hát cho Bác nghe. Trước giờ biểu diễn thì bà bị đau phải nằm nghỉ. Lúc đó, bà nhìn thấy 1 người râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, vầng trán cao tiến lại gần bà rồi hỏi thăm sức khỏe. Giây phút đó bà mới biết mình biểu diễn để Bác Hồ nghe. Mỗi lần kể lại chuyện gặp Bác Hồ, bà Kỷ không thể quên cử chỉ gần gũi của Bác. Sau này, mỗi khi đến dịp kỷ niệm sinh nhật hay ngày giỗ của Bác Hồ, bà cùng anh chị em trong đoàn văn công ngày ấy lại bày mâm hoa quả dâng hương nhớ Bác.
Bà Trần Thị Nam Kỷ nhớ lại: "Cảm xúc lúc đó khi được gặp Bác quá cảm động, cũng không ngờ rằng mình được gặp Bác. Khi đó biểu diễn cho Bác xem bằng tình cảm thiêng liêng lắm. Ai cũng muốn đứng gần Bác, muốn ôm Bác, ai cũng khóc rồi hô to Hồ Chủ tịch muôn năm. Rồi Bác động viên, Bác nói nhân dân Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi mà các cháu hát cũng hay, Bác khen. Cứ mỗi lần nghĩ đến Bác đều thấy cảm động".
Bà Trần Thị Nam Kỷ rưng rưng khi kể lại câu chuyện được gặp Bác Hồ. |
Ông Lê Bá Hùng, 86 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhớ như in khoảnh khắc ông và đồng đội được gặp Bác Hồ. Giữa tháng 6 năm 1957, Bác Hồ vào thăm, nói chuyện với Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325 của ông Hùng đóng quân cách thị xã Đồng Hới hơn 10 km nên được gặp Bác Hồ vào 4 giờ 30 phút sáng hôm sau. Lúc đó, ông Hùng là người lính mới 20 tuổi.
Lần đầu tiên được đứng gần Bác Hồ, thấy Bác giản dị trong bộ áo quần kaki màu vàng nhạt. Bác Hồ có hơn 1 tiếng để trò chuyện cùng các chiến sĩ Sư đoàn 325, mọi người lắng nghe, thấm từng câu từng chữ Bác nói. Nói chuyện xong, Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” rồi mọi người cùng hát. Bài hát vừa dứt thì trên khán đài, Bác Hồ vẫy tay tạm biệt. Phía dưới, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt các chiến sĩ.
Ông Lê Bá Hùng xúc động nhớ lại, ai cũng muốn được nhìn Bác lâu hơn nữa, muốn nghe thêm lời Bác căn dặn chứa chan tình cảm: "Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cảm xúc vô cùng cảm động, vô cùng yêu thương và quý trọng Bác. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn phải gặp cho bằng được bộ đội Sư đoàn 325. Bác Hồ xuất hiện trên khán đài với bộ áo quần kaki giản dị, chòm râu bạc, khuôn mặt hiền từ. Bộ đội được thấy Bác, được nghe Bác nói chuyện thì quá mừng".
Ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình. Chuyến thăm chưa đầy 24 giờ đồng hồ nhưng Bác dành nhiều thời gian để gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Ông Đoàn Lương Khuệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, các thế hệ đi trước luôn khuyên dạy con cháu biết ơn Bác Hồ: "Các hội viên Hội cựu chiến binh tỉnh từng vinh dự được gặp Bác Hồ thăm và nói chuyện thì rất tích cực tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phẩm chất, đạo đức lối sống và tham mưu cho cấp ủy chính quyền về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh".
Đã 63 năm kể từ ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, những người vinh dự được gặp Bác không bao giờ quên được hình ảnh và tình cảm ấm áp, gần gũi mà Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây./.