Xuất khẩu thuỷ sản đón đợi cơ hội sau dịch Covid-19
VOV.VN -Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 cao điểm nhất ngành Thuỷ sản cũng đã tính đến phương án để có thể tổ chức sản xuất chủ động, phục vụ xuất khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sang những thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc Mỹ, Nhật Bản đều giảm mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Sự bế tắc về thị trường tiêu thụ đang gây ra hàng loạt những khó khăn, đòi hỏi cần các giải pháp duy trì sản xuất và hồi phục "sức khỏe" cho ngành thủy sản ngay khi có những tín hiệu khả quan hơn.
PV: Thưa ông, dịch Covid diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất trong nước cũng như là các mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản trong những tháng đầu năm?
Ông Trần Đình Luân: Đại dịch Covid -19 không chỉ tác động tới nước ta mà cả các nước trên thế giới. Ngành thủy sản cũng nằm trong sự tác động chung đó. Quý 1, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ có sự tăng trưởng nhưng tăng nhẹ. Quý 1 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,54 tỷ USD so với cùng kỳ, giảm 14,2%. Bên cạnh đó tác động của đại dịch covid-19 đối với một số mặt hàng phân khúc thị trường cao như tôm hùm, ốc hương, cá song, cá ngừ mắt to... do hệ thống nhà hàng bị ảnh hưởng nên giá bán có giảm.
PV: Trước tình hình trên, ngành thủy sản có những giải pháp, định hướng nào giúp các ngư dân và doanh nghiệp thủy sản tháo gỡ khó khăn, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân: Về phía ngành đã có văn bản chỉ đạo các địa phương. Đối với những đối tượng nuôi có ảnh hưởng rõ rệt như tôi đã nói thì đã có chỉ đạo địa phương hướng dẫn giảm mật độ, áp dụng kỹ thuật để giảm giá thành mà vẫn duy trì chất lượng phục vụ thị trường sau khi dịch được kiểm soát.
Ngoài ra, bám sát tình hình thực tế, chúng tôi đã tổng hợp các kiến nghị của ngư dân, doanh nghiệp để gửi Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với từng lĩnh vực, rà soát lại tình hình dịch bệnh, thị trường, tình hình sản xuất trong nước để có chỉ đạo, cân đối thực tiễn sản xuất và khả năng tiêu thụ. Từ đó có kế hoạch chủ động trong sản xuất nguyên liệu, tránh ồn ứ hàng.
PV: Vậy còn những giải pháp thúc đẩy sản xuất ngay sau khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực được ngành thủy sản tính toán như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Ông Trần Đình Luân: Lãnh đạo Bộ ngay trong thời điểm dịch cao điểm nhất cũng đã tính đến phương án để chúng ta có thể tổ chức sản xuất chủ động. Ví dụ như thị trường tôm, một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta - Ấn Độ, Ecuador... theo dự báo sẽ giảm rất mạnh về sản lượng. Hay như dự báo sau khi thị trường EU hồi phục thì chúng ta có lợi thế của EVFTA. Đặc biệt, sản phẩm tôm của Việt Nam các nước khác không thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó thị trường Trung Quốc đã hồi phục dần, sản phẩm cá tra đạt khoảng 500 container/tháng và dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới...
Kế hoạch trong thời gian tới, ngành thuỷ sản tiếp tục bám sát sản xuất để có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, tình hình thời tiết. Các địa phương tăng cường liên kết sản xuất để cân đối cung cầu.
PV: Xin cảm ơn ông!