Hòa bình Trung Đông – Già néo thì đứt dây?
VOV.VN - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas giữa tuần này đã quyết định rút khỏi mọi thỏa thuận với Israel và Mỹ.
Đây được cho là hành động trả đũa đối với kế hoạch của Israel nỗ lực sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây vào lãnh thổ của nước này. Trung Đông, khu vực luôn ẩn chứa những mâu thuẫn, đang trở thành một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel cùng với những biện pháp đáp trả cứng rắn chưa từng có của Palestine khiến cho con đường hòa bình Trung Đông có thể bị “khai tử”. Cứu vãn hay để đổ vỡ hoàn toàn - lời giải nằm trong tay Israel. Nếu không cân nhắc đến lợi ích quốc tế và những hệ lụy khu vực, kế hoạch của Israel hiện nay có thể khiến hòa bình Trung Đông rơi vào tình trạng “già néo đứt dây”.
Các thỏa thuận mà Palestine bắt đầu ngừng tuân thủ từ hôm 20/5 bao gồm Thỏa thuận Oslo năm 1993, Thỏa thuận Hebron năm 1997 và Thỏa thuận sông Wye năm 1998. Các thỏa thuận này vốn thiết lập tạm thời các giới hạn an ninh giữa hai bên trong hàng chục năm qua. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Thỏa thuận Oslo năm 1993, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hòa bình tại Trung Đông, với việc thành lập Chính quyền Palestine và lên kế hoạch cho một giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc xung đột với người Israel. Việc Palestine chấm dứt các thỏa thuận, trong đó có Thỏa thuận Oslo, chính là đặt một dấu chấm hết cho quá trình đàm phán về một giải pháp 2 nhà nước, vốn đầy trắc trở và tốn rất nhiều giấy mực của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, khởi nguồn của sự kết thúc này lại không phải là người Palestine mà chính là nằm ở kế hoạch gây tranh cãi của Israel.
Dưới sự ủng hộ và hậu thuẫn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bất chấp các điều luật quốc tế, bất chấp nguy cơ phản đối từ cộng đồng quốc tế, quyết tâm vẽ lại bản đồ Bờ Tây, sáp nhập các khu định cư Do Thái tồn tại bất hợp pháp theo luật của Liên Hợp Quốc (LHQ) và thung lũng Jordan vào lãnh thổ của nước này. Người Palestine, luôn kiên định lập trường về đường biên giới trước năm 1967, giận dữ, lên án mạnh mẽ kế hoạch này, đồng thời sử dụng ngoại giao con thoi để kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế sát cánh bên Palestine, trừng phạt Israel.
Khi tuyên bố dừng tuân thủ các thỏa thuận, Palestine nhìn rõ hệ lụy đối với khu vực, thấy rõ được thế yếu của một thực thể chưa được công nhận là quốc gia độc lập. Thế nhưng người Palestine không muốn đem đánh đổi khát vọng được sống trong hòa bình hàng thế kỷ qua. Bởi nhìn vào thực tế kể từ khi ký các thỏa thuận, người Palestine vẫn chưa được sống trong hòa bình, dù chỉ là một ngày. Các cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel vẫn tiếp diễn tại các khu vực biên giới và dải Gaza. Nguyên nhân nằm ở chỗ Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên các phần đất chiếm đóng và Mỹ, một trong những bên bảo trợ chính cho tiến trình hòa bình Trung Đông lại làm ngơ trước hành động này. Mâu thuẫn chất chồng mâu thuẫn. Kế hoạch vẽ lại bản đồ, sáp nhập Bờ Tây là giọt nước tràn ly cuối cùng cho những mâu thuẫn chưa từng được giải quyết ở Trung Đông.
Kịch bản xấu nhất chắc đều đã được các bên tính đến. Hiện lực lượng an ninh Israel và Palestine phối hợp duy trì trật tự tại Bờ Tây và Palestine có thỏa thuận chia sẻ thông tin chống khủng bố với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Việc các thỏa thuận này đổ vỡ sẽ tạo lỗ hổng an ninh tại Bờ Tây khiến cho không chỉ các cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel ngày càng gia tăng mà còn là cơ hội để các lực lượng khác như phong trào Hồi giáo Hamas, các tay súng Hồi giáo Thánh chiến Palestine (PIJ) và nhiều tổ chức của khu vực trỗi dậy. Đó còn chưa kể, các khuynh hướng chủ nghĩa Arab cũng sẽ nổi lên, can thiệp vào cuộc xung đột giữa Palestine và Israel khiến vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là ngay sau khi Israel tuyên bố thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ "hỗ trợ và giúp đỡ bất kỳ quốc gia, bất kỳ tổ chức nào ở bất cứ đâu" chống lại Israel. Còn Jordan cảnh báo sẽ xem xét lại mối quan hệ với Israel nếu nhà nước Do Thái tiến hành các kế hoạch sáp nhập một số khu vực ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.
Lời giải cho những mâu thuẫn hiện tại được cho là nằm trong tay Israel. Nếu Israel dừng kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, Palestine sẽ trở lại Thỏa thuận Oslo, quá trình đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu khởi động với vai trò của LHQ, của các nước Bộ tứ. Kịch bản này dù rất mong manh, nhưng hãy cứ tin rằng mọi chuyện có thể tốt đẹp hơn. Còn nếu không, mọi hành động đều có thể trở thành “Già néo đứt dây”./.