Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế: Giá trị pháp lý cần được thực thi đầy đủ
VOV.VN - Điểm lại cuộc chiến pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế là hoàn toàn chính đáng, đồng thời kêu gọi các bên thực thi đầy đủ các giá trị pháp lý.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế là “hoàn toàn chính đáng”
Ngày 14/7, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu (HSE) đã công bố báo cáo chuyên đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông: Có hay không ánh sáng cuối đường hầm, hoặc triển vọng giải quyết xung đột” của nhóm tác giả Tiến sỹ Luật học Irina Strelnikova và Tiến sỹ chính trị học Alexander Korolev. Bài phân tích nêu bật tình hình Biển Đông, giá trị pháp lý và việc thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế tại La Haye trong vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như triển vọng giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình dựa trên công cụ pháp lý và chính trị - ngoại giao.
Về tình hình Biển Đông, nhóm tác giả cho rằng tình hình liên quan đến các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc đang ngày càng trở nên phức tạp hơn theo từng năm, do các bên liên quan không thể thống nhất về các vấn đề mang tính nguyên tắc then chốt, cũng như sử dụng các công cụ luật pháp quốc tế ở mức độ có tính khả thi cao.
Trong 10 năm qua, các nước ASEAN đã nỗ lực giải quyết vấn đề này và thống nhất áp dụng không chỉ luật pháp quốc tế, mà cả bằng giải pháp chính trị, tuy nhiên do những yêu sách phi lý của Trung Quốc, do cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị đã làm trì hoãn giải pháp pháp lý cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.
Điểm lại cuộc chiến pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách của nước này ở Biển Đông, bài viết khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye ngày 12/7/2016 thực sự có ý nghĩa lớn và là một sự kiện quan trọng trong diễn biến của xung đột pháp lý quốc tế ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye sau hơn ba năm tố tụng là hoàn toàn chính đáng, xác nhận tính hợp lệ các yêu cầu của Philippines và hành động phi pháp của phía Trung Quốc tại Biển Đông.
Phán quyết tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc trong khu vực tranh chấp trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên cơ sở quyết định này, bất kỳ khiếu nại nào của Trung Quốc tại Biển Đông liên quan đến “quyền lịch sử” mà nước này nêu ra đều không có giá trị pháp lý.
Để làm rõ luận điểm này, nhóm tác giả cho rằng, Trung Quốc đã không đưa ra hoặc chứng minh được bất kỳ sự tồn tại “quyền lịch sử” nào. Theo bản chất pháp lý, “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đề cập đến, đó là tập quán pháp lý, không phải là luật pháp quốc tế mà là luật trong nước. Trung Quốc đã không thể chứng minh sự tồn tại lâu dài của tập quán này và sự thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế.
Bài phân tích nhấn mạnh rằng, trong thứ bậc các nguồn luật, ưu tiên được dành cho các chuẩn mực, nguyên tắc và điều ước quốc tế đã được công nhận và phê chuẩn, trong khi tập quán chiếm vị trí cuối cùng trong thứ bậc nguồn luật và chỉ được áp dụng khi không có các nguồn luật quốc tế khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Do đó, khi phát sinh bất kỳ mâu thuẫn nào thì các chuẩn mực và quy định của Công ước sẽ được ưu tiên áp dụng, chứ không phải là tập quán pháp lý nội bộ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố dưới cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Lập luận của Trung Quốc không hợp lý và thiếu cơ sở
Bài viết cũng phân tích, nêu lý lẽ cụ thể bác bỏ các lập luận khác của Trung Quốc đưa ra để phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye. Đối với lập luận của Trung Quốc “chỉ giải quyết mọi tranh chấp phát sinh thông qua đàm phán trước khi đưa ra tòa”, theo các học giả, các lập luận của Trung Quốc là không hợp lý bởi theo quan điểm của luật pháp quốc tế, đàm phán không phải là cách duy nhất để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Ngoài ra, luật pháp cũng không cấm bên kia kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả. Điều này là do thực tế quyền này được đảm bảo cho bất kỳ chủ thể nào tham gia vào các quan hệ pháp luật và quy phạm thiết lập nó là điều bắt buộc cả trong luật quốc tế. Các chủ thể có quyền đảm bảo ra tòa bởi trật tự pháp lý quốc tế.
Đối với lập luận “Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye không có thẩm quyền xem xét tranh chấp này vì nó liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh thổ ở Biển Đông”, nhóm tác giả cho rằng lập luận này hoàn toàn thiếu cơ sở. Chủ thể đơn kiện của Philippines không phải là các vấn đề chủ quyền vì Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye không có thẩm quyền xem xét các vấn đề này, mà là các vấn đề về việc Trung Quốc vi phạm các chuẩn mực và không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong những vấn đề này, theo Quy chế và các quy định của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye, tòa có thẩm quyền để đưa ra quyết định.
Các tác giả nêu ra lập trường, quan điểm của ASEAN về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đánh giá cao sự tích cực của một số nước ASEAN trong việc đưa ra các sáng kiến khác nhau để tăng cường những cơ chế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông; đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực./.