Đổi tên ĐH Y dược TPHCM: “Quan trọng là bản chất không phải tên gọi”
VOV.VN- Các chuyên gia đã lên tiếng sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị đổi tên trường Đại học Y dược TP HCM thành Đại học Sức khỏe, gây nhiều ý kiến trái chiều.
Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Lễ Khai giảng năm học mới 2019 - 2020 của Trường ĐH Y dược TP HCM, cho rằng trường cần nhanh chóng đổi tên thành ĐH Sức khỏe.
Bởi theo Bộ trưởng, trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược TP HCM lớn nhất, có thể phát triển thành ĐH Sức khỏe sớm nhất. Vì vậy, Bộ Y tế rất ủng hộ nhà trường sớm đổi tên. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Đề án thành lập ĐH Sức khỏe từ Trường ĐH Y Dược TP HCM là để ngang tầm cỡ của trường. Đây cũng là tên gọi khoa học và các nước khác đã sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị đổi tên Đại học Y Dược TP HCM. (Ảnh: Trangtuyensinh) |
Liên quan vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, việc đổi tên là không cần thiết, vì tên Đại học Y Dược TP HCM đã là “thương hiệu truyền thống” nhiều năm nay.
Trao đổi với PV/VOV.VN sáng 19/9, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP HCM Trần Chút cho rằng, việc đổi tên thành ĐH Sức khỏe không những sẽ là quá mới mẻ mà còn lạ lẫm. Theo ông Chút, vẫn để tên trường là Đại học Y Dược TP HCM và điều cần thiết là chuyển đổi mô hình sang Đại học, trong đó có các trường thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa…
TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục KHĐT và Công nghệ (Bộ Y tế) cũng cho biết, mô hình Đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo ông Lợi, cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng... Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...
“Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo”, ông Lợi nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế và nhiều ý kiến chuyên gia đã nêu việc Trường đại học Y dược TP HCM đang tự gọi là Đại học Y dược TP HCM là không đúng luật. Bởi theo Luật giáo dục đại học, các “Trường đại học” để trở thành “Đại học” phải là các trường lớn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực... và phải xây dựng đề án chuyển đổi.
TS. Nguyễn Minh Lợi cũng khẳng định, quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi: “Ví dụ Đại học Y Dược TP HCM hiện nay hoạt động theo mô hình Trường Đại học đang làm Đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình Đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê quyệt”.
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, Đề án thành lập ĐH Sức khỏe và các trường ĐH thành viên Trường ĐH Y Dược TP HCM đã gửi Bộ Y tế cách nay 1 năm. Đề án này bao gồm ĐH và các trường ĐH thành viên nhưng không quy mô như 2 ĐH Quốc gia mà có thể như là ĐH Vùng. Tuy nhiên, PGS Trần Diệp Tuấn cho rằng, khó khăn hiện nay là vướng Luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực từ tháng 7/2019.
“Luật Giáo dục Đại học mới quy định việc lập trường ĐH phải có ít nhất phải có 3 chuyên ngành. Hiện nay, có những khoa rất mạnh đào tạo cả Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng lại chỉ có 1 chuyên ngành nên không đủ số lượng chuyên ngành để thành lập trường, theo luật mới”, PGS Trần Diệp Tuấn nói./.
Tuyển sinh Y Dược, Sư phạm: Không được hạ điểm sàn “vơ bèo vạt tép“