Cứu sống mẹ con sản phụ bị tăng Triglycerid máu nặng, nguy hiểm
VOV.VN - Ngày 7/6, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã phẫu thuật cấp cứu kịp thời cứu sống mẹ con sản phụ bị tăng triglycerid máu nặng.
Sản phụ N.T.T.U (40 tuổi), ở TP. Cần Thơ nhập viện trong tình trạng con lần 3, thai 36 tuần 6 ngày, nhau tiền đạo trung tâm, vết mổ cũ 2 lần. Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng. Kết quả xét nghiệm máu kiểm tra cho thấy chỉ số Triglyceride của bệnh nhân ở mức báo động 92.88 mmol/L cao gấp 50 lần người bình thường, huyết tương trắng đục như sữa, nguy cơ đe dọa tính mạng cả mẹ và bé.
Ngay sau đó, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa: Sản, Nội tiết, Huyết học, Gây mê hồi sức và khoa Hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho sự an toàn của mẹ và thai nhi.
Sau 1h phẫu thuật, chị U. đã “vượt cạn” an toàn và bảo tồn được tử cung. Bé gái cân nặng 3500 gram, da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt. Sản phụ sau phẫu thuật mạch, huyết áp ổn định, tử cung co hồi tốt đang được tiếp tục theo dõi tại khoa Phẫu thuật gây mê – Hồi sức tích cực hồi sức – Chống độc.
Theo BS.CKII Vũ Đăng Khoa – Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết, chỉ số Triglyceride tăng cao trong máu ở phụ nữ mang thai sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường và có thể sẽ dẫn đến tình trạng sản giật, động kinh, nguy hiểm hơn là sẽ dẫn đến tử vong.
Đáng chú ý ở đây là nồng độ Triglyceride tăng cao trong máu mẹ có thể truyền cho thai nhi một cách dễ dàng nên khả năng trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh là rất cao. Vì vậy phụ nữ đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai nên khám và tầm soát sức khỏe toàn diện trước và trong suốt thai kỳ, nhất là phụ nữ có tiền sử máu nhiễm mỡ nên thăm khám định kỳ và theo dõi thai sản tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Đặc biệt, đối với các sản phụ đang trong quá trình mang thai cần thay đổi lối sống tích cực hơn chế độ ăn uống khoa học, chế độ nghỉ ngơi, thư giãn và vận động hợp lý như: đi bộ, tập yoga,... để có thai kỳ khỏe mạnh./.