WB: Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong năm 2020
VOV.VN - Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Stefanie Stallmeister nhận định, Việt Nam vẫn sẽ nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020 với tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19".
Buổi công bố Báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020 |
Theo đánh giá của bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam nên tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới bù đắp cho những động lực truyền thống như cầu từ bên ngoài và tiêu dùng nội địa đang yếu đi.
Chính phủ Việt Nam nên thay đổi cách tiếp cận bằng cách kết hợp 3 yếu tố như thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa ở quy mô lớn hơn và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong xã hội, bà Stefanie Stallmeister gợi ý.
Bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam |
Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh, dịch Covid-19 tác động hầu hết tất cả người dân nhưng mức độ tác động là khác nhau vì vậy tình trạng bất bình đẳng mới có thể nảy sinh. Vì vậy, điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm của Chính phủ.
Bà Stefanie Stallmeister dự báo, Việt Nam vẫn sẽ nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất thế giới. "Chúng ta không dự báo được tương lai và không biết "bầu trời" trong một hai tuần tới sẽ như thế nào. Nhưng hiện nay rõ ràng chúng ta vẫn đang thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trên bầu trời tăm tối. Chúng tôi vẫn duy trì nhận định này, thời điểm này vẫn đúng như vậy, tương lai thì chưa thể biết sẽ thế nào".
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, không những Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới mà quan trọng là Việt Nam có chính sách phù hợp để ứng phó với khủng hoảng.
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
"Tôi không nói Việt Nam chi tiêu nhiều hơn mới tốt hơn, mà tôi muốn nói Việt Nam còn có khả năng tiết kiệm để có vị thế có thể chi tiêu tốt hơn và nhiều hơn, không phải quốc gia nào cũng được như vậy. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế số, Việt Nam có cơ hội để hướng tới nền kinh tế không tiếp xúc. Việt Nam có nền tảng rất tốt nên có vị thế để ứng phó tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia trên thế giới", ông Jacques Morisset khẳng định.
Báo cáo điểm lại của WB được công bố chiều nay (30/7) lập luận rằng: Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường như cũ, mà nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch thay đổi cách thức sinh sống làm việc và giao tiếp của mọi người.
"Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới bất định cả ở trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm cầu nước ngoài và cầu suy yếu trong nước", chuyên gia của WB khuyến nghị./.