Số vụ tai nạn lao động vẫn cao và ở mức báo động
VOV.VN - Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, hiện nay, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, nhiều sự cố nghiêm trọng ở mức cao và đáng báo động.
Sáng nay (28/4), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2022. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành và đông đảo công nhân lao động tham dự.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng.
Cụ thể, tai nạn lao động chết người giảm 18,5% số vụ, giảm 19,63% số người chết; giảm 21,71% số người bị tai nạn lao động nặng.
Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 39,7%, số người chết giảm 39,67%, số người bị thương nặng giảm 7,5%.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.
Năm 2021, phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh, có 16.998 công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, tăng 112% so với năm 2020, với 1.417.564 người tham gia.
Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, đó là: Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Tại Lễ phát động, thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chính thức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19".
Theo Bộ trưởng, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, một trong các Quyền cơ bản của người lao động được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.
“Thời gian qua, những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy có giảm nhưng còn lớn, gây ra những nỗi đau tinh thần và thể xác cho biết bao gia đình, nỗi buồn đau thấu tâm can với những người thân, với những người mẹ, người vợ và con thơ”, bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu. Trong khi đó, một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức. Không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, mặc dù có nhiều cố gắng và đạt kết quả tích cực, nhưng công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, kỷ luật lao động, đảm bảo về an toàn vệ sinh, có nơi, có lúc vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời vẫn còn xảy ra tai nạn lao động gây mất mát để con người và vật chất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để lại những nỗi đau không thể xoa dịu cho người ở lại.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ, xây dựng xã hội an toàn, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Một trong những nội dung trọng tâm là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở, phúc lợi xã hội và lợi ích hợp pháp của công nhân. Để hiện thực nội dung trên, công tác an toàn vệ sinh lao động và chăm lo đời sống vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động cần phải được chú trọng thực hiện thường xuyên liên tục. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Muốn làm được như vậy đòi hỏi các cấp ủy tổ chức các doanh nghiệp cần quan tâm và thực hiện tốt một số nhiệm vụ như:
Các cấp ủy Đảng tăng cường hơn nữa việc đánh giá và chỉ đạo công tác đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần việc làm, phúc lợi và an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng phòng ngừa loại trừ kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống và sức khỏe người lao động.
Phát huy tốt vai trò tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động để nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất; đổi mới tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn và pháp luật liên quan đến tổ chức tốt việc thực hiện chăm lo bảo vệ quyền, lợi lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, người lao động; tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phúc lợi xã hội; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và thúc đẩy phát triển quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.
Người sử dụng lao động cần quan tâm và đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tinh thần việc làm, nhà ở và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, ngăn chặn sự cố tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật bảo vệ sức khỏe người lao động và hình thành văn hóa an toàn doanh nghiệp; Người lao động cần tuân thủ chặt chẽ các quy định nội quy về an toàn vệ sinh lao động sản xuất; tham gia tích cực các phong trào đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tuân thủ các quy trình an toàn lao động, tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm việc với năng suất cao chất lượng tốt, góp phần phục hồi, thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Ban chỉ đạo tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo tổ chức nâng cao hiệu quả các hoạt động vận hành an toàn vệ sinh lao động, tháng công nhân, làm tốt công tác tuyên truyền, phát hiện tôn vinh biểu dương, khen thưởng nhân rộng mô hình hay cách làm tốt trong tổ chức thực hiện nội dung liên quan để từ đó tạo ra sự lan tỏa trong toàn xã hội./.