Nhờ Trump, Biden có thêm nhiều "đòn bẩy" để gây sức ép với Trung Quốc?
VOV.VN - Khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có nhiều cách để đối phó với Trung Quốc hơn dự kiến một phần nhờ vào những nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm.
Trump tạo đòn bẩy lớn cho Biden
Chính quyền ông Trump đã gia tăng sức ép với Trung Quốc trong nhiều năm qua, trong đó có việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD, “nhờ” Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ và đổ lỗi cho Bắc Kinh gây bùng phát đại dịch Covid-19.
Chiến dịch gây sức ép được đẩy mạnh vào tuần trước khi chính quyền ông Trump đưa vào danh sách trừng phạt hơn 60 công ty Trung Quốc, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của các công ty này, với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia”, theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Mỹ.
Không riêng Mỹ, mà nhiều quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc khi chính phủ nước này khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông và một số khu vực chiến lược khác như biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, sử dụng biện pháp “cưỡng ép” về kinh tế đối với Hàn Quốc và Australia.
Eswar Prasad, cựu quan chức phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: “Việc Tổng thống Trump liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc cùng sự phản đối của nhiều quốc gia trước chính sách ngoại giao và sự mở rộng ảnh hưởng về địa chính trị của Bắc Kinh sẽ giúp cho chính quyền ông Biden có đòn bẩy đáng kể khi xúc tiến các cuộc đàm phán song phương”.
Ông Eswar Prasad nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt hiện có và động lực chính trị trong nước sẽ giúp chính quyền ông Biden có cơ sở để mạnh miệng hơn trong các cuộc đàm phán”.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden và nhiều thành viên đảng Dân chủ cho biết họ phản đối những chiến thuật mà ông Trump đã sử dụng để gây sức ép với Trung Quốc, nhưng các biện pháp đó sẽ vẫn nằm trên bàn khi ông Biden tìm cách đàm phán với giới lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times ngày 2/12 vừa qua, ông Biden cho biết: “Tôi sẽ không thực hiện ngay lập tức bất cứ động thái nào và quan điểm này cũng được áp dụng trong vấn đề thuế quan”. Tổng thống đắc cử Mỹ lưu ý: “Chiến lược tốt nhất để đối phó Trung Quốc là đưa tất cả mọi người, hoặc ít nhất là các đồng minh của chúng ta đứng trên cùng một chiến tuyến”.
Ông nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu của tôi trong những tuần đầu nhiệm kỳ là cố gắng gắn kết Mỹ với các đồng minh”.
Bất chấp những lo ngại công khai về chiến lược của ông Trump đối với Trung Quốc, nhiều quốc gia như Anh và Pháp đã nối gót Mỹ cảnh giác trước sự tham gia của Huawei trong các dự án mạng không dây, trong khi đó, nhiều tổ chức phương Tây như Liên minh tình báo Five Eyes và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuyển sự chú ý sang đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trung Quốc không sẵn sàng nhượng bộ
Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc không thoải mái khi thấy Mỹ tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để thực hiện mục tiêu của nước này, nhưng Bắc Kinh đã gửi đi tín hiệu mong muốn cải thiện quan hệ với Washington, đồng thời hy vọng sự thay đổi vai trò lãnh đạo tại phòng Bầu Dục sẽ giúp thực hiện điều đó.
Trong bài phát biểu trước các chủ doanh nghiệp tuần trước, Ngoại trưởng Quốc Vương Nghị kêu gọi hai bên tái khởi động đối thoại và đưa quan hệ “quay trở lại đúng hướng”.
“Kỳ vọng của Trung Quốc đối với chính quyền Biden là thiết lập lại quan hệ Mỹ-Trung”, ông Gao Zhikai, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc, từng là người phiên dịch cho cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đánh giá. Ông Zhikai nhấn mạnh: “Quan hệ Mỹ-Trung cần được giảm căng thẳng và loại bỏ những hiềm khích. Cả Mỹ và Trung Quốc cần phải trở thành người chiến thắng chứ không phải những kẻ thua cuộc”.
Tuy nhiên, những thách thức mà ông Biden phải đối mặt không hề nhỏ. Vị thế toàn cầu của Mỹ đã suy giảm dưới thời chính quyền ông Trump. Các đồng minh của nước này không chắc chắc liệu Mỹ có thể là người bạn và là đối tác đáng tin cậy về lâu về dài hay không. Ngay cả khi ông Biden muốn tăng cường hợp tác với các đồng minh và đưa Mỹ tái gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lãnh đạo của các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc biết rằng, không có gì đảm bảo ông Biden sẽ không bị thay thế bởi một nhà lãnh đạo có phong cách giống ông Trump, thậm chí là Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2024.
Dù các chiến thuật của Tổng thống Trump khiến nhiều quan chức tại Bắc Kinh phải đau đầu đối phó, nhưng chúng không mấy phát huy tác dụng trong việc buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách của nước này.
Chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp mạnh tay trong vấn đề Hong Kong, củng cố những tiền đồn mà nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông hay các khu vực biên giới. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ thất bại trong đối phó với dịch Covid-19 là bằng chứng cho thấy nước này đã bước qua thời kỳ đỉnh cao.
Ngay cả khi ông Biden thành công trong việc thay đổi nhận thức như vậy, các cuộc đàm phán với Trung Quốc dưới thời chính quyền mới có thể vẫn chông gai và kéo dài như những cuộc đàm phán từng diễn ra dưới thời ông Trump. Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc như những gì ông cam kết khi lên nắm quyền vào năm 2017.
Ryan Hass, người từng phụ trách quan hệ với Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barack Obama, hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings đánh giá: “Tôi không cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị căng thẳng đến mức họ sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ quan trọng để được Mỹ dỡ bỏ chiến dịch gây sức ép đơn phương”.
Thế khó đối với Joe Biden
Mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình từng tiếp xúc với nhau cách đây hơn một thập kỷ, nhưng quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi đáng kể từ khi chính quyền ông Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017. Sức mạnh quân sự và kinh tế gia tăng đáng kể đã giúp Trung Quốc trở nên tự tin hơn trong thực hiện các tham vọng của nước này, trong đó có việc mở rộng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Về mặt kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã theo đuổi lập trường mạnh mẽ hơn trên hầu hết mọi mặt trận lớn với Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần kêu gọi đất nước “tự lực tự cường” trong các lĩnh vực then chốt, cho thấy ý định gia tăng gấp đôi các chính sách công nghiệp.
Một số nhà quan sát nhận định, khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Trung Quốc sẽ dễ dàng tìm thấy các cơ hội để xây dựng sự tin tưởng hơn. Dưới thời Trump, khoảng 100 cuộc đối thoại chính thức giữa hai bên đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Song dưới thời Biden, chúng có thể được hồi sinh với sự tiếp xúc của các quan chức cấp thấp hơn giữa lúc các nhà lãnh đạo của cả hai nước bận rộn sắp xếp các chương trình nghị sự.
Chẳng hạn khi phiên điều trần về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra tại Canada vào cuối mùa xuân năm 2021, Bộ Tư pháp Mỹ có thể tiếp cận với nhóm pháp lý của bà Mạnh Vãn Chu để bàn về một giải pháp được cả hai bên nhất trí, cho phép bà quay trở lại Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, chính quyền của ông Biden có thể thận trọng hơn chính quyền ông Trump trong việc sử dụng các công cụ gây sức ép. Theo sự ủy quyền của Tổng thống Trump, Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã quyết định “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ”. Trái lại, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông Biden – cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Janet Yellen đã thể hiện sự thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy này để có được sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc.
Tuy vậy, một trong những khó khăn lớn nhất của ông Biden là phải ưu tiên xử lý các vấn đề trong nước, một mặt nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, mặt khác cố gắng kiềm chế dịch bệnh Covid-19 đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát bất chấp nỗ lực của Mỹ thực hiện chiến dịch phân phối vaccine lớn nhất trong lịch sử. Theo nhiều nhà phân tích, nếu chính quyền ông Biden không thể ổn định tình hình trong nước vốn đang có nhiều xáo trộn sau cuộc bầu cử và xây dựng lại lòng tin với các đồng minh ở nước ngoài, thì những lợi thế mà Washington có được so với Bắc Kinh có thể chỉ nằm trên lý thuyết.
“Có những tiềm năng để chính quyền ông Biden xây dựng đòn bẩy, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu họ có thể xây dựng sự đồng thuận trong nước đối với các ưu tiên hàng đầu và tìm được sự đồng thuận với đồng minh, đối tác trong vấn đề Trung Quốc hay không”, chuyên gia Ryan Hass nhấn mạnh./.