Khánh Hòa đẩy nhanh nhiều dự án để phát huy hiệu quả đập ngăn mặn
VOV.VN - Để đối phó với hạn mặn, nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa phải làm đập ngăn mặn bằng rọ đá tạm thời nhưng không phát huy hiệu quả.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa khởi công dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Để phát huy hiệu quả của công trình sau khi hoàn thành, ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh thực hiện các dự án có liên quan.
Sông Cái Nha Trang đoạn hạ lưu đổ ra cửa biển từ nhiều năm nay liên tục bị nhiễm mặn, uy hiếp nguồn nước sạch cung cấp cho khoảng 500.000 người dân TP Nha Trang. Để đối phó với hạn mặn, nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa phải làm đập ngăn mặn bằng rọ đá tạm thời nhưng không phát huy hiệu quả. Trong khi đó, đôi bờ sông Cái đoạn qua các phường, xã như Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp, Vĩnh Thạnh thuộc thành phố Nha Trang lại không có cầu, việc đi lại trông chờ vào một cây cầu gỗ tạm do người dân tự làm hoặc lối đi bộ trên cầu đường sắt. Mỗi mùa mưa lũ, cầu gỗ tạm bị trôi, người dân bên này sông phải băng qua hầm đường sắt hoặc đi vòng lên đến 10km để đến trung tâm xã.
Ông Lê Thanh Hưng, ở khóm Ngọc Sơn, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang cho biết: "Mặc dù ở thành phố nhưng vùng này giống như vùng hẻo lánh vậy, nguồn nước ở đây nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng cây rất khó khăn. Trồng cây cũng phải dùng nước máy, trong khi nguồn nước sinh hoạt rất khó khăn. Đi lại chỉ có cầu sắt độc đạo, chỉ có 1 xe qua lại, còn đi đường vòng sẽ rất xa".
Sau thời gian nghiên cứu khả thi, bố trí nguồn vốn, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định xây dựng Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Đập được xây dựng trên sông Cái dạng trụ đỡ bê tông cốt thép, gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, có bố trí âu thuyền và bên trên kết hợp cầu giao thông rộng 26m. Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, do Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 760 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương và đối ứng của tỉnh.
Vị trí đập chỉ cách cửa biển đổ ra vịnh Nha Trang khoảng 2km, hạ lưu là khu vực nội thành Nha Trang, với mật độ dân cư đông, không có các hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp. Đây là dự án đập kết hợp với cầu, đa mục tiêu như: ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái Nha Trang, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất gần 2.000ha đất nông nghiệp ở thượng lưu và đặc biệt kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường Vành đai 2…
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong những năm vừa qua, sông Cái đã bị mặn rất sâu, có năm cao điểm khoảng 17km, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước sinh hoạt. Việc đưa ra giải pháp chống xâm nhập mặn mang ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh. Công trình đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang đảm bảo cho phát triển đa mục tiêu: phòng chống thiên tai, kiểm soát xâm nhập mặn, sản xuất dân sinh, giải quyết vấn đề giao thông thủy, giao thông bộ ở khu vực này".
Dự kiến cuối năm 2022, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết nối 2 đầu đập là tuyến đường vành đai 2 của thành phố Nha Trang đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn BT đổi quỹ đất sân bay Nha Trang cũ. Tuy nhiên, dự án này mới đang ở giai đoạn kiểm kê, giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ. Mặt khác, dự án khu tái định cư Ngọc Hiệp cũng đã bị tạm dừng gần 2 năm vì vướng giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án để phát huy hiệu quả của công trình Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang: "Hoàn thành đập ngăn mặn sông Cái và cầu qua sông Cái, rõ ràng đường giao thông phải khớp nối với đường vành đai 2. Lúc đó, mới giải quyết được ách tắc giao thông của đường 2/4 và giảm tải được đường Trần Phú. Vành đai 2 đoạn tiếp theo đang triển khai khẩn trương, đang kiểm đếm, chuẩn bị đền bù, giải tỏa. Quan trọng nhất là hình thành khu tái định cư của Ngọc Hiệp để chuyển dân vào tái định cư"./.