Hôn lễ đặc biệt nối dài tình cảm Việt – Pháp tại Điện Biên
VOV.VN - Đúng thời điểm cả đất nước và thế giới đang hướng về mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử sau 70 năm giải phóng với chiến thắng “lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu” thì tại Điện Biên diễn ra một hôn lễ đặc biệt giữa 1 chàng trai người Pháp và cô gái Điện Biên.
Hôn nhân của đôi bạn trẻ giờ đây không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, mà còn là sự gắn kết tình cảm giữa hai quốc gia, hai dân tộc từng trải qua chiến tranh.
Trong bộ váy cưới trắng tinh khôi, cô dâu Trần Ngọc Quỳnh Anh với nụ cười vô cùng rạng rỡ, siết chặt tay chú rể Guillaume Richard bước lên hôn trường trong sự vui mừng, ngưỡng mộ của quan viên hai họ và bạn bè. Hôn lễ này được đúc kết từ một tình yêu đẹp kéo dài gần 7 năm giữa một cô gái từng là tình nguyện viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Việt Nam) với chàng sinh viên người Pháp yêu lịch sử, hòa bình.
Trần Ngọc Quỳnh Anh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông nội là chiến sĩ Điện Biên đã từng chiến đấu không tiếc máu xương cho độc lập tự do của dân tộc; ông ngoại là thanh niên xung phong từ Hà Nội ngược ngàn lên Tây Bắc mang con chữ xóa nghèo, lạc hậu cho đồng bào cực Tây sau giải phóng 1954. Còn Guillaume Richard sinh ra lớn lên ở Pháp trong một gia đình có truyền thống yêu hòa bình. Ông bà anh từng tham gia nhiều cuộc đình công để phản đối chiến tranh ở Đông Dương trong thời điểm ấy.
Trần Ngọc Quỳnh Anh chia sẻ: Điểm chung lớn nhất để gắn kết, đưa hai vợ chồng về chung một nhà là tình yêu chuộng hòa bình khôn xiết. Chính những câu chuyện lịch sử hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu – chấn động địa cầu” cách đây gần 2/3 thế kỷ; những kỷ vật lịch sử của 2 chiến tuyến trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã thắp lên tình yêu trong hai bạn, xóa bỏ mọi khoảng cách về địa lý, sắc tộc và những quá khứ trong chiến tranh:
"Khi gặp Guillaume, tôi cảm thấy có một điểm chung là những người rất yêu chuộng hòa bình. Và từ điểm chung đấy chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều thứ ở trong cuộc sống chúng tôi muốn khám phá cùng nhau và đó cũng là lý do chúng tôi đến với nhau và đến hiện tại bây giờ cũng đã là 7 năm rồi. Đối với chúng tôi, Điện Biên Phủ là mảnh đất nơi tôi sinh ra và cũng là mảnh đất đối với gia đình nhỏ của em là điểm bắt đầu của mọi thứ", Trần Ngọc Quỳnh Anh nói.
Chia sẻ về người vợ mang dòng máu Việt của mình, Guillaume Richard cho biết: Ngay lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, anh đã yêu mảnh đất và con người nơi đây. Chính sự nồng hậu, tình cảm chân thành của người dân nơi đây cùng những trải nghiệm thú vị về văn hóa đã khiến Guillaume quyết định chọn Điện Biên sẽ là quê hương thứ hai của bản thân mình.
"Đối với gia đình tôi ai cũng nhận thấy rằng cả hai đất nước mặc dù đã trải qua chiến tranh nhưng đều đã có khoảng thời gian rất dài để hàn gắn. Hai vợ chồng tôi khi nói chuyện với mọi người trong gia đình thì không có một ai thù ghét nhau cả mà chỉ còn là sự yêu chuộng hòa bình và yêu thương nhau. Đối với 2 vợ chồng tôi và ông bà nội, ngoại luôn nói với nhau rằng hòa bình là tất cả và luôn phải gìn giữ. Và khi chúng em quyết định thành hôn, cả hai gia đình rất vui mừng, đồng thuận", chú rể Guillaume Richard nói.
Hôn lễ của cô dâu Trần Ngọc Quỳnh Anh và chú rể Guillaume Richard diễn ra chiều ngày 2/3 tại gia đình cô dâu ở Điện Biên Phủ trong niềm vui, lời chúc phúc của gia đình, họ hàng, bè bạn và xóm giềng; trước đó, lễ cưới nhà trai đã diễn ra tại Pháp.
Cô giáo Hỏ Phương Hoài, cô giáo chủ nhiệm Trung học phổ thông của cô dâu Quỳnh Anh chia sẻ: Thời điểm này là lúc cả đất nước, cả thế giới đang hướng về Điện Biên Phủ sau 70 năm giải phóng. Hôn lễ và tình yêu đẹp của hai bạn trẻ đã gắn kết thêm tình cảm hai nước Việt Nam – Pháp; mở thêm cánh cửa mới về niềm tin và khát vọng hòa bình trong giai đoạn mới.
Cô nói: "Đến dự đám cưới của hai bạn ngày hôm nay, bản thân tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ vì hai bạn đã vượt qua rất nhiều rào cản về văn hóa. Và đám cưới của hai bạn đã góp phần hàn gắn được những tổn thương sau chiến tranh của hai đất nước, hai dân tộc".
Trần Ngọc Quỳnh Anh cho biết, sau hôn lễ tổ chức tại Việt Nam, hai vợ chồng sẽ quay trở lại Pháp để định cư và dự định sẽ mở một cửa hàng để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Điện Biên ngay trên chính mảnh đất Pháp. Hai vợ chồng cũng sẽ nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho đồng bào vùng khó Điện Biên, nhất là trẻ em để sớm đưa quê hương mình phát triển hơn nữa trong thời gian tới./.