TS luật giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng: Đủ căn cứ sẽ xử lý
VOV.VN - Theo luật sư, nếu đủ căn cứ khẳng định Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân vi phạm sẽ xử lý theo Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngày 26/6, Công an TP.HCM đã mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM) lên làm việc. Buổi làm việc này liên quan đến đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni (công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng).
Trước đó, ông Đặng Anh Quân bị bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) tố giác về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo đơn tố giác của ca sĩ Vy Oanh, ông Đặng Anh Quân được biết đến với vai trò là cố vấn pháp lý cho bà Hằng tại các buổi livestream.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV, PGS.Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM cho biết, nhà trường vẫn đang theo sát sự việc và chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Hải nhấn mạnh, quan điểm của trường là không bao giờ bỏ qua những chuyện làm trái pháp luật. Tuy nhiên, nhà trường cũng không thể xử lý bằng cảm xúc hay theo dư luận mà phải chờ kết luận từ cơ quan có thẩm quyền. PGS.Trần Hoàng Hải khẳng định, để xác định đúng pháp luật hay không việc này phải có cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Hiện nay cơ quan công an đang làm việc và tôi đang bám sát, theo dõi chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, kết luận như thế nào sẽ xử lý tương ứng theo Luật Viên chức” - ông Hải cho hay.
Có thể tạm thời đình chỉ hoạt động giảng dạy của ông Quân
Theo dõi diễn biến vụ việc, chuyên gia pháp lý – ông Đỗ Mạnh Thắng, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, trong quyền hạn mà hội đồng nhà trường, hiệu trưởng trường đại học quy định trong Luật giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018, có các quyền hạn về việc ban hành bộ quy chế nhà trường, thực hiện công tác xây dựng quản lý bộ máy giảng viên, cán bộ.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để một người có thể trở thành giảng viên theo quy định tại Điều 54 Luật giáo dục đại học đó là người giảng viên phải có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định của Luật này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Do vậy, trước những cáo buộc đối với ông Nguyễn Anh Quân thì hiệu trưởng nhà trường cần phải có biện pháp xác minh ban đầu về sự việc, đồng thời phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra cáo buộc nêu trên bởi lẽ nhà trường không có thẩm quyền điều tra và buộc tội với ông Quân.
Bên cạnh đó nhà trường cũng cần phải có biện pháp để đảm bảo tốt nhất hoạt động đào tạo, giảng dạy. Nhà trường cần phải có công bố chính thức trước toàn thể người học cũng như trước dư luận quan điểm chính xác của mình về sự việc, đồng thời xem xét mức độ ảnh hưởng của sự việc tới công tác giảng dạy, nếu trong trường hợp cần thiết có thể tạm thời đình chỉ hoạt động giảng dạy của ông Quân để đợi kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Trước những cáo buộc của ca sỹ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni, chuyên gia pháp lý Đỗ Mạnh Thắng cho rằng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện kiểm tra, xác minh và trong thời hạn 20 ngày phải có quyết định về việc có khởi tố vụ án hình sự hay không. Thời hạn này có thể kéo dài không quá 2 tháng nếu vụ việc có tính chất phức tạp. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.
Nếu đủ căn cứ làm nhục người khác sẽ xử lý
Nếu đủ căn cứ buộc tội ông Quân vì có hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì ông Quân sẽ phải chịu trách nhiệm là đồng phạm với Nguyễn Phương Hằng theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
“Chúng ta chưa thể kết luận rằng việc ông Quân tham gia livestream của bà Hằng nhằm nhục mạ người khác có phải là sự thật hay không cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra có thẩm quyền. Tuy nhiên với tư cách của một nhà giáo, một người giảng viên, đặc biệt còn là giảng viên giảng dạy pháp luật thì ông Quân phải thực sự chú ý đến lời nói, phát ngôn của mình trước công luận”- ông Đỗ Mạnh Thắng nói.
Theo ông Thắng, khi nhận thấy có nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật thì ông Quân cần phải có biện pháp ngăn chặn, tư vấn pháp lý cho các đối tượng đó, để người đó nhận biết được hành vi mình đang có ý định thực hiện là vi phạm pháp luật. Nếu người đó không đồng ý mà vẫn thực hiện thì ông Quân không được tham gia vào việc phạm tội đó và có thể thực hiện tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật./.