Cuộc sống mới của cư dân vạn đò ở Thừa Thiên Huế

VOV.VN -Mười năm lên bờ, nếp sống cũ hằn sâu của bao thế hệ cư dân vạn đò đã đổi thay dần, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.

Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ. Chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt được coi  là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng. Ở vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế câu chuyện về xóa mù chữ cư dân vạn đò trở thành nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền địa phương cũng như của từng người dân cho đến bây giờ. 

Khu tái dịnh cư vạn đò ở tổ 16 phường Hương Sơ, thành phố Huế.

Trong căn nhà nhỏ nằm trong khu tái định cư Kim Long, thành phố Huế, hồi ức câu chuyện dạy học cho trẻ em vạn đò được bà Bạch Thị Ngọc Hạnh bắt đầu từ những năm tháng khốn khó cơ hàn. Trước đây, gia đình bà sống ở khu vực Bến Me, thành phố Huế. Học xong trung học phổ thông cũng là năm đất nước thống nhất 1975. Bến Me hồi đó là xóm vạn đò nghèo. Cuộc sống mưu sinh, lênh đênh trên sông nước, chuyện học hành của con cái chẳng ai để ý đến, trẻ em đều thất học. Vốn yêu trẻ, bà lập lớp học xóa mù cho các em. Hằng đêm, bà tổ chức các buổi vui chơi, tập cho các em hát, sau đó, tập đọc, tập viết. Thấy vui nên trẻ em cả xóm kéo nhau đến học. Đêm đêm, bên bến sông, lớp học xoá mù của bà Hạnh “gieo” ước mơ cho lũ trẻ vạn đò.

Năm 1995, thành phố Huế di dời xóm vạn đò Bến Me lên khu tái định cư phường Kim Long. Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp trẻ em đến trường. Nhưng phần lớn trẻ em ở khu tái định cư đã quá tuổi, phần thì không theo kịp chương trình học phổ thông vì thế nhiều em bỏ học. Bà Hạnh vẫn tiếp tục dạy miễn phí, mục đích giúp các em biết đọc biết viết, dìu dắt các em thành người có ích. Nay, tuổi đã cao, bà Bạch Thị Ngọc Hạnh vẫn dạy các em học, để thấy cuộc sống mình thêm ý nghĩa, quên những mệt nhọc, lo toan.

Khu tái định cư dân vạn đò Hương Sơ.

 “Mình thấy các em rất là tội, giống như bản thân con cái mình vậy, nếu như gặp vào hoàn cảnh đó thì bậc làm cha làm mẹ nào cũng thấy tội cho con cái nhưng mà với điều kiện của họ làm không đủ ăn, không no lòng thì lấy gì cho con cái ăn học. Từ đó, mình nghĩ rằng trong một đêm mình bỏ ra 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ mình cống hiến cho các cháu, mình tạo được gì cho các cháu thì mình tạo thôi”, bà Hạnh chia sẻ.

10 năm về trước, Thừa Thiên Huế thực hiện một cuộc “đại di dân lên bờ”, gần 1.000 hộ dân vạn đò ở các phường Phú Bình, Vỹ Dạ về tái định cư tại phường Hương Sơ, thành phố Huế và xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Rời con đò lên bờ định cư, cuộc sống nhiều bỡ ngỡ. Ông Nguyễn Tri, ở khu tái định cư Hương Sơ, thành phố Huế cho biết, sống ở trên sông Hương, cuộc sống mải mê “theo đuôi con cá” gắn cả cuộc đời với dòng sông. Xóm vạn đò, không ai học hết cấp một, lớn lên chẳng có nghề nghiệp gì. Cái vòng luẩn quẩn, đói nghèo- thất học- lạc hậu, cứ bám chặt. Khi về khu tái định cư mới, cuộc sống người dân dần sang trang, con cháu được đến trường, biết đọc, biết viết.

Ông Chi cho biết: “Lên đây dân thấy khá giả hơn. Trước sông nước, ở trên đò, muốn đi làm mô thì đem con cái theo, không học hành chi được hết. Cuộc sống bà con tái định cư thoải mái khi có nhà cửa, bà con đưa con em đi học đầy đủ. Được nhà trường, ủy ban phường quan tâm nếu một gia đình mô khó khăn không đi học thì Ủy ban phường cho sách vở, áo quần để động viên con em đến trường, không để con em bỏ học”.

 Lớp học tình thương của cô Ngọc Hạnh ở khu tái định cư Kim Long.

Lên bờ mưu sinh là một thử thách rất lớn đối với người dân vạn đò, bởi phần lớn không biết chữ, tìm việc làm vô cùng khó khăn. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, cuộc sống của họ dần dần ổn định. Ông Mai Văn Thành, Tổ trưởng tổ 16, phường Hương Sơ, thành phố Huế cho biết: Sau 10 năm lên khu tái định cư, cuộc sống của người dân vạn đò đổi thay nhiều, ai cũng có công ăn việc làm. Nhiều người đã thay đổi ngành nghề như học nghề tài xế, mở các dịch vụ nhỏ buôn bán…

Theo ông Thành, người vạn đò xưa giờ ai cũng ý thức cho con đến trường, học cái chữ, không như trước, thuyền đánh bắt cá tôm đến đâu cả gia đình theo đó, con em không thể đến trường: “Thời gian bà con tái định cư trong 10 năm ở đây cũng tạm ổn định, làm đủ ăn, đủ sống, cũng có điều kiện tốt hơn dân vạn đò hồi xưa nhiều. Nói chung, dân vạn đò hồi xưa cực nhưng lên đây ổn định, nhà cửa khang trang, xe cộ cũng có. Trước đây, dân vạn đò, con em đi học cao nhất là 40%. Hiện nay, lên đây đi học đạt 90 đến 95%”.

Một buổi sinh hoạt tập thể tại lớp học cô Ngọc Hạnh.

Ông Văn Hữu Cầm, lão thành cách mạng ở thành phố Huế cho biết, sau ngày giải phóng, tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương đưa lên bờ một số cư dân vạn đò. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế còn khó khăn lúc đó không có để trợ cấp cho dân nên đa phần người dân bỏ bờ xuống lại đò. Đến giờ, người dân vạn đò sông Hương đã có cuộc sống khởi sắc. Nhiều cháu thành đạt trên con đường học tập.

“Khi đến trường nói chung, thường các cháu vạn đò học yếu thì người ta vận động một số khá giỏi dạy kèm, phụ đạo thêm, có người tổ chức tình nguyện dạy thêm không lấy kinh phí thì các cháu đến tham gia học,từ đó, các cháu vạn đò trình độ càng ngày càng khá”, ông Văn Hữu Cầm nói

Cuộc sống đã sang trang mới đối với người dân vạn đò. Các em nhỏ được cắp sách đến trường, không còn cảnh lênh đênh theo cha mẹ trên sông nước làm cát sạn hay buông mành đánh cá trên sông. Mười năm lên bờ, nếp sống cũ hằn sâu của bao thế hệ cư dân vạn đò đã đổi thay dần, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên