Việt Nam lọt TOP đầu môn Toán theo khảo sát PISA, Bộ GD-ĐT nói gì?

VOV.VN - Mục tiêu cao nhất khi tham gia PISA là đối sánh quốc tế để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông - PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam.

Ngày 5/12/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022. Kết quả cho thấy điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Đối với môn Toán: Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia. Môn Khoa học: Việt Nam xếp thứ 35/81 quốc gia. Môn đọc: học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.

Nhìn lại kết quả đánh giá PISA năm nay cũng như 10 năm tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, đâu là những bài học có thể vận dụng vào công tác đánh giá chất lượng và đổi mới giáo dục? PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc quốc gia PISA quốc gia Việt đã có cuộc trao đổi với PV VOV2.

Phóng viênThưa PGS.TS Phạm Quốc Khánh, ông có nhận định gì về vị trí của Việt Nam trong kết quả khảo sát PISA mới nhất vừa được công bố cuối năm qua?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Sáng kiến của OECD trong việc tổ chức PISA được thực hiện từ năm 2000. Việt Nam chúng ta chính thức tham gia PISA từ năm 2012.

Chúng ta là một trong 81 quốc gia tham gia, trong đó có 36 quốc gia OECD tham gia khảo sát chu kỳ 2022. Kết quả, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn Toán, môn Đọc và Khoa học với điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia. Đây cũng là xu thế chung khi chúng ta tham gia các chu kỳ từ 2012 đến giờ.

Việc chúng ta giữ kết quả thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore là thông tin nhất quán với các kỳ khảo sát khác. Ví dụ, kỳ khảo sát về học sinh tiểu học SEA-PLM theo sáng kiến của Ban thư ký ASEAN về giáo dục, chúng ta xếp số 1 khu vực ASEAN (tất nhiên trong trường hợp này Singapore không tham gia kỳ khảo sát đó). Bên cạnh đó, theo chỉ số kinh tế - xã hội - chỉ số giúp đánh giá sát hơn về kết quả thì Việt Nam đứng thứ 4 chỉ sau Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc về môn Toán. Môn Toán trong chu kỳ 2022 là môn trọng tâm bên cạnh Đọc và Khoa học.

Tôi cũng thông tin thêm là Bộ GD-ĐT đang khẩn trương triển khai báo cáo quốc gia để đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên kết quả PISA 2022.

Phóng viênQua 10 năm tham gia khảo sát, kết quả mới nhất có sự chuyển biến như thế nào, theo đánh giá của ông?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Điểm trung bình của đánh giá 3 môn Toán, Đọc, Khoa học của PISA từ năm 2000 đến giờ có xu hướng giảm, việc giảm tính chung trên các quốc gia tham gia xuất phát từ những điều chỉnh về mặt nội dung để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu của Ban thư ký OECD về giáo dục.

Đối với Việt Nam, kết quả PISA 2022 cho thấy Việt Nam luôn ở nhóm quốc gia dẫn đầu ở khu vực ASEAN. Thực tế chúng ta đứng thứ 2 liên tục trong các năm tham gia. Kết quả điểm trung bình của Việt Nam quanh giá trị trung bình của các quốc gia OECD. Đồng thời kết quả học sinh Việt Nam xếp TOP cao trong các quốc gia có thu nhập trung bình.

Chúng ta thấy rằng, kết quả PISA 2022 về hạng chung giảm so với một số chu kỳ trước đây. Việc biến động giữa xếp hạng giữa các chu kỳ khảo sát của PISA cũng diễn ra với các quốc gia. Việt Nam thay đổi kết quả xếp hạng của chu kỳ 2022 cũng nằm trong bối cảnh chung đó.

Chúng tôi bước đầu đánh giá một số nguyên nhân của kết quả này thể hiện ở một số điểm cơ bản. Đầu tiên là việc triển khai khảo sát PISA trong giai đoạn Covid-19, chúng ta thực hiện phương châm các em học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Chúng ta áp dụng dạy học trực tuyến ở tất cả các cấp học và vùng miền. Đối với Việt Nam, việc học và dạy trực tuyến không phải tất cả các em đều được làm quen. Trong khi đó, đối với những quốc gia phát triển khác của OECD thì việc này không không mới và họ sẵn sàng chủ động với việc đó.

Nguyên nhân thứ 2, để thích ứng với điều kiện Covid-19, Bộ GD-ĐT đã kịp thời có các chỉ đạo tinh giản các nội dung chỉ giữ phần cốt lõi ở các công văn 1113 và và 3280 về tinh giản. Trong điều kiện dạy và học trực tuyến, Bộ kịp thời chỉ đạo để các nhà trường, thầy cô giáo trên toàn quốc điều chỉnh việc đánh giá phù hợp với nội dung đó, chúng ta tập trung vào vấn đề cốt lõi. Trước tác động của dịch Covid-19, an toàn của học sinh và thầy cô giáo là số 1 thì nhiều hoạt động bổ trợ khác để phục vụ việc dạy và học cũng phải cắt giảm để đảm bảo an toàn. Đó là những nguyên nhân ban đầu mà chúng tôi tôi đánh giá, khảo sát của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những điểm này.

Phóng viênThưa ông, Kết quả chung do OECD công bố cho thấy, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam lại là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn. Theo ông nguyên do là gì?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Về nguyên tắc, đối với các hoạt động như giáo dục, y tế thì việc đầu tư càng nhiều về mặt nguồn lực trong đó có tài chính sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.

Tôi cũng cung cấp con số theo báo cáo của OECD đối với học sinh của Việt Nam từ 6 đến 15 tuổi chúng ta chi khoảng 13.800 USD. Trong khi các quốc gia trong nền kinh tế OECD có chi tiêu ở mức 75.000 USD. Quốc gia xếp cao hơn chúng ta trong khu vực và xếp số 1 trong xếp hạng của 81 quốc gia về PISA là Singapore chi 166.110 USD cho một học sinh từ 6-15 tuổi.

Chính vì vậy, kết quả cùa Việt Nam cho thấy việc chúng ta đầu tư ở mức phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam để đạt kết quả như đã nêu. Tôi là người dự buổi công bố vào ngày 5/12/2023, đại diện OECD đã nêu Việt Nam như một ví dụ điển hình cho việc này.

Nguyên nhân của kết quả này đến từ nhiều phía. Đầu tiên là Việt Nam nhất quán chủ trương lớn là “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” được Nhà nước và người dân, gia đình quan tâm. Trong khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch đầu tư về chi tiêu của các gia đình Việt Nam mới nhất cho thấy, tỉ lệ chi cho giáo dục của các gia đình Việt Nam tăng cao nhất trong các mức chi tiêu của các gia đình.

Một trong những quan tâm rất cao của OECD khi triển khai PISA là cơ hội học tập đến với các HS. Trong công bố của OECD, 97% HS Việt Nam tham gia PISA cho biết đã theo học giáo dục mầm non từ một năm trở lên (trung bình OECD: 94%) và các em đăng ký vào lớp 10. Như vậy các cơ hội học tập của các em với chính sách của Đảng và Nhà nước thì các em đã được tiếp cận giáo dục từ rất sớm. Đây là một trong những lý do thuyết phục để chúng ta có kết quả như ngày hôm nay.

Việc chúng ta phổ cập chương trình THCS đã giúp học sinh nắm chắc kiến thức nền tảng vững chắc trong các môn học cơ bản như Toán, Khoa học, Ngữ văn nên học sinh Việt Nam đạt điểm quanh điểm trung bình của OECD.

Chúng ta đều biết, môn Toán được đánh giá là thế mạnh của học sinh Việt Nam. Chúng ta có kết quả cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế về Toán và chính vì vậy tạo ra những nền tảng phù hợp.

Ngày 3/10/2017, Bộ GD-ĐT đã có công văn 4612 về hướng dẫn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Ngay từ năm học 2017-2018 định hướng này đã giúp học sinh của chúng ta có hệ thống và chuẩn bị tốt về phát triển năng lực phẩm chất.

Phóng viênKhảo sát PISA 2022 tập trung vào Toán học, Đọc và Khoa học. Tư duy sáng tạo là lĩnh vực đánh giá mới được áp dụng. Vì sao học sinh Việt Nam không tham gia đánh giá nội dung Tư duy sáng tạo, trong khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của chúng ta coi trọng đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Kể từ năm 2012, PISA đã bổ sung đánh giá học sinh ở lĩnh vực Đổi mới/Innovative domain trong mỗi chu kỳ cung cấp cho các quốc gia/nền kinh tế PISA cái nhìn toàn diện hơn về 'sự sẵn sàng cho cuộc sống' của học sinh, chu kỳ 2022 là về Tư duy sáng tạo.

Việt Nam cũng như một số nước chưa tham gia khảo sát nội dung này xuất phát từ việc chúng ta muốn có các kỳ đánh giá về đối sánh 3 môn Toán, Đọc và Khoa học để đủ chu kỳ phù hợp để đối sánh, phân tích. Tư duy sáng tạo của 2022 đòi hỏi chúng ta phải thi trên máy tính, trong khi đó chúng ta vẫn phải triển khai trên giấy để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Không phải các quốc gia đều tham gia chủ đề về tư duy sáng tạo. Tôi cũng rất vui mừng Bộ GD-ĐT đã quyết định tiếp tục triển khai chu kỳ 2025 trên máy tính. Năm 2025 chủ đề về đổi mới này liên quan đến vấn đề học tập trên môi trường số. Ngoài Toán, Đọc và Khoa học thì chúng ta sẽ tham gia thêm chủ đề này từ 2025.

Phóng viênTừ khi tham gia vào khảo sát OECD, không phải là Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đều dấy lên những tranh luận về việc khảo sát nhấn mạnh quá mức về thước đo định lượng trong khi mục tiêu của giáo dục thì còn nhiều hơn thế. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Những nước châu Á có kết quả cao đều có chính sách ưu tiên đầu tư về giáo dục, nền kinh tế phát triển cao và mô hình dựa trên kinh tế tri thức.

PISA 2015 tập trung vào khoa học, trong đó môn đọc, toán và giải quyết vấn đề hợp tác là những lĩnh vực đánh giá nhỏ. PISA 2015 cũng bao gồm đánh giá về hiểu biết tài chính của giới trẻ, đây là nội dung không bắt buộc đối với các quốc gia và nền kinh tế.

PISA 2018 đánh giá tập trung vào trình độ đọc, toán, khoa học và lĩnh vực đổi mới (năm 2018, lĩnh vực đổi mới là năng lực toàn cầu).

PISA 2025: đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi trong các lĩnh vực khoa học, đọc và toán. Sau năm 2006 và 2015, kiến thức khoa học lại là lĩnh vực chính. Ngoài ra, lĩnh vực học tập đổi mới trong thế giới kỹ thuật số và lần đầu tiên dưới dạng lĩnh vực bổ sung, khả năng đọc ngoại ngữ sẽ được kiểm tra.

Cách đặt vấn đề của PISA là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức về cuộc sống sau này của học sinh khi đến độ tuổi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc (Việt Nam là giáo dục phổ cập với cấp học THCS). Từ đó, mỗi kỳ khảo sát: Đo lường khả năng của học sinh tuổi 15 trong việc sử dụng kiến thức và kỹ năng đọc, toán và khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Ví dụ bài thi môn Toán chỉ có 25% về lý thuyết toán còn lại 75% về ứng dụng Toán trong giải quyết vấn đề. Các bài thi đọc, khoa học cũng dựa trên cách đặt vấn đề đó. Vì vậy, việc nói rằng “nhấn mạnh quá mức về thước đo định lượng” là không chính xác.

Phóng viênTheo ông, tham gia khảo sát PISA có ý nghĩa như thế nào trong đổi mới giáo dục Việt Nam, có giá trị tham khảo gì cho những quyết sách giáo dục? Và, sau 10 năm tham gia khảo sát PISA chúng ta đã vận dụng mô hình đánh giá của OECD vào việc đánh giá học sinh Việt Nam ra sao?

PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Sự nhất quán trong việc tham gia các kỳ khảo sát và đánh giá diên rộng quốc tế của Việt Nam trong đó có PISA thể hiện mục tiêu cao nhất đó là chúng ta đối sánh quốc tế để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Chúng ta có kết quả xếp hạng nhưng quan trọng là Bộ GD-ĐT sẽ tập trung phân tích nhân tố tác động kết quả học tập của học sinh để có những quyết nghị chính sách phù hợp.

Tôi ví dụ để hình dung, hằng năm chúng ta công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, lãnh đạo các địa phương ngoài quan tâm đến xếp hạng thì giành nhiều thời gian phân tích những nhân tố tác động, tại sao chỉ số xếp hạng của mình tốt ở chỗ này, chưa tốt chỗ kia để có chính sách kịp thời, điều chỉnh ở địa phương và đó chính là một trong những mục tiêu rất quan trọng mà chúng ta quan tâm.

Chu kỳ PISA 2022 gồm 81 quốc gia tham gia (36 quốc gia OECD) với ít nhất 81 chương trình THCS khác nhau, nhiều bộ sách/tài liệu học tập nhưng cùng áp dụng một bài thi đánh giá năng lực trong việc vận dụng kiến thức kỹ năng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chính vì vậy chúng tôi đã vận dụng, vừa rồi đã triển khai tập huấn 16 địa phương với kết quả tốt và sẽ thực hiện thận trọng từ các trường sư phạm và các viện nghiên cứu để có kết quả cuối cùng.

Phóng viênTrân trọng cảm ơn PGS.TS Phạm Quốc Khánh!

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi. Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình đánh giá PISA từ năm 2012.

Chỉ số PISA về tình trạng kinh tế - xã hội và văn hóa được tính toán sao cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi PISA, bất kể họ sống ở quốc gia nào, đều có thể được xếp vào cùng một thang đo kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là có thể sử dụng chỉ số này để so sánh kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tương tự ở các quốc gia khác nhau.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại diện Việt Nam lọt top đề cử kiến trúc sư trẻ tuổi triển vọng nhất thế giới
Đại diện Việt Nam lọt top đề cử kiến trúc sư trẻ tuổi triển vọng nhất thế giới

VOV.VN - Được lựa chọn, và cạnh tranh với những dự án và kiến trúc sư trẻ tuổi tài năng của thế giới. KTS Nguyễn Hà được kỳ vọng sẽ mang vinh dự lớn về cho ngành kiến trúc Việt.

Đại diện Việt Nam lọt top đề cử kiến trúc sư trẻ tuổi triển vọng nhất thế giới

Đại diện Việt Nam lọt top đề cử kiến trúc sư trẻ tuổi triển vọng nhất thế giới

VOV.VN - Được lựa chọn, và cạnh tranh với những dự án và kiến trúc sư trẻ tuổi tài năng của thế giới. KTS Nguyễn Hà được kỳ vọng sẽ mang vinh dự lớn về cho ngành kiến trúc Việt.

Văn Phú - Invest lần thứ 4 lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Văn Phú - Invest lần thứ 4 lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

VOV.VN - Hoạt động kinh doanh ổn định trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cùng với một bảng tài sản có quy mô lớn, chất lượng cao đã giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500).

Văn Phú - Invest lần thứ 4 lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Văn Phú - Invest lần thứ 4 lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

VOV.VN - Hoạt động kinh doanh ổn định trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cùng với một bảng tài sản có quy mô lớn, chất lượng cao đã giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500).