Tinh giản chương trình và học trực tuyến ở Cần Thơ còn nhiều khó khăn

VOV.VN - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho rằng: nội dung tinh giản phải là trí tuệ của tập thể, của tổ chuyên môn.

Những ngày giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, việc dạy, học online của thầy, trò tại Cần Thơ diễn ra sôi nổi. Công tác chuẩn bị được nhà trường làm từ rất sớm với hệ thống hạ tầng mạng, máy móc, thiết bị và sự chủ động vào cuộc của Sở GD- ĐT. Tuy nhiên, việc thực hiện học trực tuyến và tinh giản chương trình vẫn còn chưa đồng đều, ở vùng sâu, vùng xa thành phố, lượng học sinh tiếp cận công nghệ thông tin vẫn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác dạy và học.

Cô Nguyễn Trần Thùy Trang - Giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm trong một buổi dạy trực tuyến.

Theo Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ, sau khi có thông báo học sinh tạm nghỉ học phòng tránh dịch bệnh từ 23/3, Sở đã đẩy mạnh hơn việc triển khai ôn tập, dạy kiến thức mới cho học sinh bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Đài PT - TH thành phố Cần Thơ, tổ chức dạy học trên truyền hình cho các em học sinh lớp 9, môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, với thời lượng 6 buổi/tuần. Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trực thuộc phải thông báo rộng rãi đến học sinh, phụ huynh học sinh giờ phát sóng dạy học trên Đài trung ương, Đài địa phương để việc tiếp thu kiến thức của các em tốt hơn.

 Giảng viên Hoàng Thị Ánh Tuyết - Trường ĐH Nam Cần Thơ dạy trực tuyến cho sinh viên.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ cho biết: Việc dạy và học trực tuyến thời gian qua tổ chức khá thuận lợi, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Song do lần đầu áp dụng hình thức giảng dạy online, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến nhiều buổi học bị gián đoạn hoặc thời gian dạy ngắn hơn dự kiến.

“Các thầy cô cũng còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến. Một số thầy cô còn bỡ ngỡ với phần mềm dạy học trực tuyến, cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật ở một số trường chưa thực sự đảm bảo cho việc dạy học trực tuyến”, ông Tăng cho biết.

Bên cạnh việc túng lúng của giáo viên khi tiếp cận công nghệ thông tin, học trực tuyến còn khó khăn khi không phải gia đình nào ở Cần Thơ cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, nông thôn như: quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ…

Theo thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh: Hiện mỗi lớp học online của giáo viên chỉ có khoảng 70% các em học sinh tham dự, một phần do mạng internet tại nhà các em yếu, một phần nhỏ các em chưa có ý thức nhiều trong việc học trực tuyến: “Trực tuyến có cái khó là đôi khi mạng yếu, vừa vào là văng ra. Học sinh thì cũng chưa quen cách học, lượng học sinh tham gia tùy ngày. Một số em thì học tốt, nhưng một vài em vẫn lơ là”.

Một buổi học trực tuyến của thầy trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm

Khi dạy và học trực tuyến, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh giảm đi nhiều so với dạy trực tiếp ở lớp học bởi giáo viên chủ yếu thực hiện bài giảng một chiều, học sinh chỉ tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, rất ít điều kiện để hỏi sâu, hiểu kỹ về môn học. Em Vũ Hoàng Minh Nhật, học sinh lớp 8, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều Cần Thơ cho biết: Học online là một cách tốt để phòng tránh dịch bệnh, vì không tiếp xúc nhiều người, nhưng những bài giảng con chỉ hiểu được một phần, không như ngồi trên lớp mỗi ngày.

“Em không có hỏi thầy cô được nhiều, nhìn trên máy cũng không rõ chữ lắm. Thường ở trên lớp em tiếp thu khoảng 85 - 95%, còn ở lớp online thì em nghĩ khoảng 70%”, em Minh nói.

Từ những bất cập tồn tại, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ chia sẻ: Các trường cần chủ động xây dựng nhiều kịch bản tổ chức dạy và học, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; tổ chức ghi hình tiết dạy của giáo viên, đưa lên website của trường, nhóm zalo của từng lớp, giúp học sinh không đến trường vẫn có thể xem lại. Sở GD-ĐT tiếp tục có cuộc họp rút kinh nghiệm để việc dạy và học trực tuyến được thực hiện ở các đơn vị kể cả sau khi hết dịch bệnh. Bên cạnh học sinh lớp 9, tới đây, Sở tiếp tục phối hợp với Đài PT - TH Cần Thơ tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh khối lớp 5 và sẽ có tiết dạy ôn tập cho học sinh lớp 12, nhằm giúp các em hệ thống kiến thức được học, đa dạng hóa các loại hình học tập cho học sinh.

Ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết thêm: Hiện Sở GD&ĐT căn cứ trên văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc tinh giản nội dung chương trình, cũng đã có văn bản hướng dẫn khung cho các trường, đảm bảo giảm 1/4 nội dung của học kỳ 2 năm học 2019-2020. Đặc biệt, giáo viên không được tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và những nội dung được ghi chú “Không dạy”; “Không làm”; “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học”.

80% học sinh Cần Thơ rất thích thú khi lần đầu học trực tuyến.

Ông Tăng cho rằng: “Các trường căn cứ trên tình hình thực tế của nhà trường, năng lực của học sinh, tiến hành xây dựng nội dung tinh giản. Việc xây dựng đó phải là trí tuệ của tập thể, của tổ chuyên môn, chứ không phải là của một thầy hoặc một cô tổ trưởng chuyên môn; để đảm bảo nội dung tinh giản phải được triển khai hiệu quả trong nhà trường”.

Việc tinh giản chương trình, dạy và học trực tuyến tại Cần Thơ tuy còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, nhưng nếu xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn, khối lớp, đổi mới hình thức học; tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện; huy động trí tuệ tập thể của cán bộ, giáo viên các trường thì sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời giữ chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên