Sự cao quý của nghề Y

VOV.VN - Một nghề mà tên gọi chỉ duy nhất có một chữ, nhưng sau 20 năm gắn bó, chữ đó luôn làm tôi trăn trở. Sứ mệnh của người làm nghề Y là cố gắng không đặt “dấu chấm hết” cho số phận bệnh nhân, điều khó khăn đó luôn là tâm nguyện của người thầy thuốc.

Bước chân vào nghề, chẳng mấy ai có thể hình dung được hết những cung bậc cảm xúc, nhiều khi, khó có thể diễn tả hết bằng lời. Nếu ai đó được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề Y, có lẽ ấn tượng chỉ đơn thuần là những đêm trực, những ngày xa nhà của cha mẹ hoặc nhiều hơn nữa, là những câu chuyện đời, chuyện nghề được kể lại. Nhưng thực tế khác hơn nhiều, thậm chí, rất rất nhiều, bởi vốn dĩ, những người làm ngành Y ít có thói quen “kể hết”, nói hết những việc làm hàng ngày, những điều họ phải chứng kiến, trải nghiệm.

Đối với những người làm công việc khám, chữa bệnh trực tiếp - đó là mối quan hệ với những cá nhân, những người bệnh cụ thể. Khác với làm việc với hệ thống máy móc, công nghệ, người bệnh là những CON NGƯỜI có cảm xúc, biết buồn vui, biết đau đớn và kể cả có cả sự “phản kháng” trong một số trường hợp.

Người làm nghề Y luôn cần trái tim biết cảm thông và chia sẻ, nhiều hơn nữa là “cảm” được nỗi đau thể xác và sự bất ổn về tinh thần của người bệnh. Biết, hiểu được điều đó không khó, nhưng để thực hiện trong quá trình hành nghề lại là chuyện không đơn giản. Hãy hình dung, phần lớn thời gian làm việc của bạn là thấy ánh mắt mệt mỏi, nghe những lời than phiền và thái độ cáu kỉnh của bệnh nhân và gia đình họ. Thậm chí, trong quan hệ hàng ngày với gia đình, họ hàng, bạn bè, những người làm nghề Y cũng ít khi là người đầu tiên được nhận tin vui, mà thường là người được "ưu tiên" hỏi đến khi ai đó có “chuyện buồn về sức khoẻ” và rồi họ sẽ phải trăn trở tìm cách xoa dịu, giảm nhẹ nỗi đau hoặc an ủi người thân, người quen của mình.

Rồi nghề gì cũng vậy, đều có những giây phút thăng hoa khi thành công và nỗi buồn khi thất bại, nhưng với nghề Y, sự thất bại sẽ đeo đuổi một cách dai dẳng, để lại những vết sẹo khó liền. Bởi sự thất bại trong nghề đồng nghĩa với một con người bị tổn hại, thậm chí mất đi sinh mạng. Đặc biệt ám ảnh hơn nếu nỗi đau đó có một phần sơ suất của chính mình.

Niềm vui sẽ đến với người bệnh khi sức khoẻ bình phục. Người làm nghề Y cũng sẽ có chung niềm vui đó nhưng sẽ sớm qua đi bởi sứ mệnh của họ là vậy. Được người bệnh và gia đình họ tri ân, cảm ơn cũng nhiều, đó có thể là món quà vật chất... nhưng trên hết, là tình cảm của con người đối với con người, sự biết ơn một cách chân thành nhất.

Nhưng ngược lại, cũng có thể là sự xúc phạm, đe dọa, thậm chí xâm hại thân thể cũng có. Người làm nghề Y luôn tự cho rằng mình không được phép phản kháng khi đang làm nhiệm vụ cứu người, lại càng không thể vì những sự đối xử tồi tệ đó mà làm hại người bệnh. Nhưng nhiều khi, sự im lặng đó đồng hành với sự “đau đớn” trong tâm hồn, thậm chí là cảm giác phẫn uất. Rồi mọi điều cũng sẽ qua, sự xúc phạm lúc này, lúc khác có thể được xin lỗi hoặc không, nhưng những điều đó đã để lại “vết sẹo” khó xóa.

Sứ mệnh của người làm nghề Y là cố gắng không đặt “dấu chấm hết” cho số phận bệnh nhân, tìm mọi cách để kéo dài thêm sự sống của mỗi con người. Chuyện đó không dễ và đôi khi là không thể, nhưng đó là tâm nguyện, là mục tiêu của những người làm nghề.

Nghề Y, có thể nhiều người không biết rõ, là nghề rất khó để tách rời công việc và cuộc sống cá nhân. Cảm xúc sẽ cứ len lỏi một cách tự nhiên, sự day dứt về những điều chưa làm được, và nhất là sự cảm thông với nỗi đau của người bệnh đi vào cuộc sống của người làm nghề Y lúc nào không biết. Lúc này hay lúc khác, người làm nghề Y đều có thể “nhìn” thấy mình trong một hoàn cảnh cụ thể của một người bệnh nào đó. 

Thêm nữa, mỗi người bệnh là một người thày đối với người làm nghề Y, họ cho người làm nghế thêm kiến thức về bệnh, về những bài học về đối nhân, xử thế… những điều mà có thể, sách vở chưa đề cập, bởi vậy, đối với người làm nghề Y, kinh nghiệm và sự từng trải luôn được đề cao và coi trọng. Vì những điều đặc biệt như vậy nên người làm nghề Y cần phải có tình yêu với nghề, tình yêu với đối tượng mình phục vụ. Chỉ có tình yêu mới đem lại sự gắn kết, sự chia sẻ và đó là yếu tố quan trọng giúp cho công việc của người làm nghề Y hiệu quả hơn, thành công hơn.

Xã hội luôn coi nghề Y là nghề cao quý. Nhưng để có được và gìn giữ sự cao quý đó thì cả người làm nghề và người thụ hưởng đều phải biết trân trọng, gìn giữ những giá trị vốn có của nó, đó là lòng yêu nghề, là tình người và cả sự cảm thông.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyện về những người chuyên vận chuyển F0 nặng đi cấp cứu
Chuyện về những người chuyên vận chuyển F0 nặng đi cấp cứu

VOV.VN - Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao, nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh thông thường mà còn hỗ trợ, vận chuyển đưa F0 nặng đến bệnh viện kịp thời.

Chuyện về những người chuyên vận chuyển F0 nặng đi cấp cứu

Chuyện về những người chuyên vận chuyển F0 nặng đi cấp cứu

VOV.VN - Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao, nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh thông thường mà còn hỗ trợ, vận chuyển đưa F0 nặng đến bệnh viện kịp thời.

Chương trình phát thanh "Sứ mệnh blouse trắng" kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Chương trình phát thanh "Sứ mệnh blouse trắng" kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

VOV.VN - "Sứ mệnh blouse trắng" - Chương trình phát thanh đặc biệt nhân Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Chương trình phát thanh "Sứ mệnh blouse trắng" kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Chương trình phát thanh "Sứ mệnh blouse trắng" kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

VOV.VN - "Sứ mệnh blouse trắng" - Chương trình phát thanh đặc biệt nhân Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.