Âm mưu đang nhen nhóm?
Các CLB ngày càng “khát” hơn trong khi cho dù Champions League vẫn được xem là “cỗ máy in tiền”, phần chia từ giải này không còn làm họ thỏa mãn.
Khi sân cỏ Châu Âu nhộn nhịp trở lại với mùa giải mới, khi vòng loại knock-out của Champions League đã khởi tranh trong tuần này, HLV Arsene Wenger của Arsenal gây xôn xao dư luận khi bày tỏ lo ngại rằng Champions League có thể bị “diệt vong” bởi sự ra đời của một Super League Châu Âu quy tụ các đội bóng danh giá nhất châu lục.
Theo Wenger, ý tưởng về một siêu giải đó chủ yếu xuất phát vì mục đích lợi nhuận. Các CLB ngày càng “khát” hơn trong khi cho dù Champions League vẫn được xem là “cỗ máy in tiền”, phần chia từ giải này không còn làm họ thỏa mãn. Chắc chắn một Super League sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Hãy thử tưởng tượng cứ mỗi tuần lại có các trận cầu đinh cỡ Barcelona đại chiến Manchester United chẳng hạn. Bản quyền truyền hình sẽ cực lớn bởi hàng triệu người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền thưởng thức những bữa tiệc thường xuyên như thế.
Thực tế, Champions League dù mang tiếng là giải danh giá nhất Châu Âu nhưng cũng chỉ đáng xem khi vào vòng knock-out. Còn vòng loại hay vòng bảng không thu hút được mấy sự quan tâm từ giới mộ điệu. Xu hướng “bình dân hóa” giải này của Chủ tịch UEFA Michel Platini với nhiều ưu ái hơn cho các giải vô địch quốc gia cỡ nhỏ Châu Âu càng đe dọa sự hấp dẫn vốn chủ yếu đến từ các cuộc đối đầu mang tính kinh điển. Bản thân các đội bóng lớn cũng đứng trước nguy cơ bị loại sớm như ở vòng loại knock-out này chẳng hạn.
UEFA thừa hiểu nguy cơ từ sự ngúng nguẩy của các đội bóng lớn. Năm 1998, thất vọng về nguồn thu từ Cup Châu Âu, một loạt những đại gia Châu Âu như Manchester United, Arsenal, AC Milan, Inter Milan, Juventus, Ajax, PSG, Marseille và Borussia Dortmund đã thảo luận kế hoạch lập Super League Châu Âu. Trước viễn cảnh nguy hiểm đó, UEFA nhân nhượng mở rộng Champions League để chia thêm lợi nhuận cho các CLB, để giữ chân họ trong “mái nhà chung”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hơn một thập kỷ qua, các CLB hài lòng với cơ cấu hiện nay. HLV Wenger tiết lộ: “Tôi cảm thấy có nhiều quan điểm đằng sau hậu trường nhằm hướng tới việc thành lập một Super League Châu Âu”.
ít khi chủ đề nhạy cảm trên được nhắc đến công khai bởi sự ra đời một Super League Châu Âu đồng nghĩa với lời tuyên chiến cùng UEFA và FIFA phá vỡ trật tự hiện nay. Kẻ khởi xướng có thể phải chịu những trừng phạt nặng nề từ các tổ chức, thể chế đó. Nhưng trước lợi ích tiền bạc hứa hẹn đầy triển vọng, mưu đồ này vẫn đang được nhen nhóm khá rõ ràng.
Nó rất nguy hiểm không chỉ cho sự tồn tại của Champions League mà cho cả chất lượng chung của các giải vô địch quốc gia. Từ lâu, Premier League đã rộ tiếng phàn nàn rằng, thu nhập của “tứ đại gia” (Manchester United, Chelsea, Liverpool, Arsenal) từ Champions League giúp nhóm tinh anh này có lợi thế tài chính lớn so với phần còn lại. Khi một Super League ra đời, khoảng cách giàu nghèo đó sẽ càng bị đào sâu hơn.
Thử xét riêng Premier League. Manchester United tuyên bố hài lòng với cơ cấu hiện nay và có vẻ không thuộc nhóm khuấy động ý tưởng về Super League Châu Âu. Nhưng những Chelsea, Liverpool, Arsenal thì có nhiều lí do để hào hứng hơn. Và không chỉ các đội bóng lớn ở Anh, Tây Ban Nha hay Italy, một Super League Châu Âu còn là giấc mơ cho một số CLB thống trị thường xuyên những giải nhỏ hơn như Scotland, Hà Lan, Bỉ hay Bồ Đào Nha.
Về logic tài chính mà nói, khi những CLB của bóng đá hiện đại ngày nay sống bằng động lực tiền bạc, chuyện tìm kiếm mở rộng quy mô là điều dễ hiểu. Bản thân chính Premier League là ví dụ tiêu biểu khi từng đưa ra kế hoạch “Vòng 39” đầy tham vọng (tổ chức một vòng đấu của giải Ngoại hạng ở khắp các địa điểm trên thế giới). Nhưng một sự mở rộng tột cùng như Super League Châu Âu sẽ kéo theo nhiều hệ quả đáng ngại. Trong khi tiền bạc và sự chú ý của người hâm mộ đổ dồn vào những cuộc so tài đỉnh cao, các giải vô địch quốc gia sẽ trở nên mờ nhạt bởi chỉ còn là cuộc chơi của những tên tuổi “trung bình” với đội hình 2 của các “đại gia”./.