Chuyên nghiệp kiểu... làng xã

Khi công bố các quyết định kỷ luật, ông Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường không giấu được bức xúc: “Bóng đá kiểu này chẳng khác gì bóng đá kiểu làng xã, chứ chẳng phải bóng đá chuyên nghiệp”  

Đúng luật, nghiêm khắc, nhưng…

Đó là khi ông Hường thay mặt Ban kỷ luật đọc “án” dành cho STN Quảng Ngãi: phạt 70 triệu đồng và loại Quảng Ngãi khỏi giải hạng Nhất. Ông Hường cho biết: Theo điều 62, khoản 2, mức phạt tiền cao nhất cho hành vi bỏ dở trận đấu là 50 triệu đồng, nhưng Quảng Ngãi bị phạt “vượt khung” do “tính chất nghiêm trọng” của hành động của họ. NHS Quảng Nam cũng bỏ dở trận đấu, nhưng hành vi của Quảng Ngãi là “khác hoàn toàn về tính chất”. Quảng Nam là đội bóng thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam bị đánh tụt hạng, sau Vĩnh Long ở mùa giải 1999-2000.

Ông Nguyễn Hải Hường nói: “Chúng tôi rất đau xót khi phải đưa ra quyết định này, nhưng đó là điều cực chẳng đã. Phải theo luật mà làm”. Liệu những người làm bóng đá Quảng Nam nghe điều này sẽ nghĩ gì? Bởi thực chất, có bị giáng xuống hạng hay không với họ thì… cũng đến thế, đội bóng này thực chất đã chắc chắn xuống hạng. Chính vì thế, hành động bỏ dở trận đấu, tự động rời sân chẳng cần biết hậu quả của họ dường như đã được tính toán trước.

Sự bất cần ấy đã khiến ông Trưởng ban Kỷ luật phải bức xúc: “Cách hành xử của họ chẳng khác gì bóng đá kiểu làng, kiểu xã. Bỏ dở trận đấu không thể là cách làm của một đội bóng chuyên nghiệp”. Đến khi công bố mức phạt tiền và cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá của LĐBĐ Việt Nam dành cho lãnh đạo đội bóng Quảng Nam, ông Nguyễn Hải Hường tiếp tục: “Mấy vị này chẳng am hiểu tí nào về bóng đá, chỉ có thể làm bóng đá phong trào”.

BTC đang rất cố gắng để thúc đẩy sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam

Án phạt là nghiêm khắc, là đúng luật, nhưng rút cuộc tác dụng, hiệu quả của án đến đâu, khi đội bị đánh xuống hạng là đội chắc chắn sẽ xuống hạng. án phạt dành cho một đội bóng “làng” hành xử kiểu bất cần như vậy, liệu ông Trưởng ban Kỷ luật có cần phải quá “xót xa”?

Tìm cách lách luật

Từ chuyện đội bóng Quảng Nam bị đánh tụt hạng, không khó để thấy chuyện tìm cách lách luật của nhiều cá nhân, nhiều đội bóng. Hơn nữa, phải chăng kỷ cương, luật lệ của VFF đang bị coi thường.

Ban Kỷ luật đã phải mời thêm 2 luật sư cố vấn, là những người điều hành cuộc chơi bóng đá, đương nhiên họ phải căn cứ vào những điều luật đã qui định. Nói như chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì chúng ta đang trên con đường tiến lên chuyên nghiệp, nên còn rất nhiều vấn đề chưa thể giải quyết hết và còn cần phải cố gắng. Chính từ những “kẽ hở” đó, nhiều người đã “khôn lỏi” tìm cách lách luật.

Hay như án phạt không tác dụng “cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách”, rồi lại đến án cấm nốt cả VĐV Hải Phòng trên sân nhà bằng việc đóng cửa sân Lạch Tray. Ban Kỷ luật “thòng” thêm điều khoản: Nếu XM.HP tổ chức tốt trận đấu tới thì sẽ mở cửa trở lại sân Lạch Tray. Nhưng ai cũng biết, nếu khán giả không được vào sân thì đương nhiên an ninh sẽ được đảm bảo. Phải chăng, Ban kỷ luật cũng đang loay hoay, lúng túng với chính những điều luật của mình, với cách làm đúng luật của mình.

Ngay mới đây thôi, CĐV quá khích của Hải Phòng đã tấn công xe chở cầu thủ SLNA khi đội bóng này hành quân đến sân khách. Vụ việc đã trôi qua trong im lặng, bởi nó xảy ra ở ngoài sân bóng, nên chẳng có căn cứ gì để VFF xử lí. Vụ việc va chạm giữa Nam Định và T&T Hà Nội cuối cùng cũng “hoà cả làng”, bởi cũng chẳng có chứng cứ nào thật cụ thể để xử lí. Một “con tốt thí” có tên Nguyễn Văn Dịp được đưa ra, bởi phóng viên đã chụp được ảnh anh này. Mà chẳng hạn, có tìm được chứng cứ lãnh đạo thể thao Nam Định có lời lẽ xúc phạm T&T Hà Nội, thì cũng chẳng xử lí mạnh tay được vì ông ta cũng chỉ đến sân với tư cách như một... CĐV.

Chưa có mùa giải nào, Ban Kỷ luật lại phải làm việc với cường độ và áp lực cao như vậy. Các vụ việc, sự cố thì cứ liên tục xảy ra, BTC giải thì bị dư luận “soi” kĩ. Các quyết định xử lí kỉ luật liên tục được đưa ra, rất đúng luật, mới nghe qua thì tưởng nghiêm khắc, nhưng rồi đâu lại vào đó hoặc cũng chẳng có tác dụng gì nhiều.

Đã là chuyên nghiệp, thì phải tôn trọng luật chơi, tôn trọng người tổ chức. Cái kiểu lách luật, coi thường luật, và chính những nhà cầm cân nảy mực cũng chưa tìm ra phương cách trước việc luật của mình bị “nhờn”, đó chỉ có thể gọi là “chuyên nghiệp kiểu làng xã”./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.