Nhạc sĩ Doãn Nho được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
VOV.VN - Với thính giả yêu âm nhạc Việt Nam, tên tuổi nhạc sĩ Doãn Nho chắc không còn mấy xa lạ với những bài ca hào sảng nhưng tha thiết, đậm âm hưởng dân tộc
Trong những tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, có người nhạc sĩ, chiến sĩ của những bài ca đi cùng năm tháng như: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Thính giả nhớ đến ông là nhớ đến những bài ca hào sảng nhưng tha thiết, đậm âm hưởng dân tộc. Đó là nhạc sĩ Doãn Nho, người nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Những nốt nhạc như những bước chân hào hùng của lớp lớp chiến sĩ ra trận vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bao năm qua, những giai điệu hào sảng ấy luôn vang lên mỗi sáng trên Quảng trường Ba Đình trong lễ thượng cờ trang nghiêm và tự hào, như sự khẳng định cho sức sống mạnh mẽ của nhạc phẩm “Tiến bước dưới quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho.
Nhạc sĩ Doãn Nho. |
Với thính giả yêu âm nhạc Việt Nam, tên tuổi nhạc sĩ Doãn Nho chắc không còn mấy xa lạ. Sinh ra ở Từ Liêm, Hà Nội. 17 tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, Doãn Nho lên đường nhập ngũ. Ông kể, lúc đó vừa học tập theo chương trình huấn luyện, vừa là quản ca trung đội và đã có cơ duyên gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chính lời khuyên của 2 nhạc sĩ này đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong cả cuộc đời sáng tác chuyên nghiệp sau này của ông. Đó là phải thuộc, phải hiểu dân ca, phải thấm dân ca để viết nên những tác phẩm mang đậm hồn Việt, để người Việt hát, người Việt nghe.
Từ đó những sáng tác của ông vừa có chất hào hùng của người lính, nhưng lại vừa trữ tình bởi âm hưởng dân ca. Nếu ở ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, phổ thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ đã khéo léo thổi âm hưởng của dân ca để ngợi ca tình đồng đội, đồng chí thì ở câu chuyện tình lãng mạn trong ca khúc “Chiếc khăn Piêu” lại mang đậm chất dân ca của dân tộc thiểu số Khơ Mú. Những tác phẩm sau này của ông đều thấm đượm chất dân ca của từng vùng miền và thân thuộc với người nghe.
NS Doãn Nho rơi nước mắt khi phổ nhạc thơ chúc Tết của Bác Hồ
Các sáng tác của Doãn Nho gắn liền vời cuộc đời binh nghiệp của ông. Năm 1951, khi còn ở trường Lục quân ông sáng tác “Đào than”, “Bà mẹ nuôi”, “Tiến lên theo gương La Văn Cầu”… Năm 1954, khi về công tác tại Đoàn văn công Tổng cục chính trị, ông cho ra đời “Vui giải phóng”, “Sóng Cửa Tùng”… Khi ở chiến trường Nam Lào – Quảng Trị, Doãn Nho lại viết “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”…
Mỗi chuyến đi lại cho ông thêm những cảm hứng sáng tác bất tận. Xúc động trước hình ảnh nữ anh hùng La Thị Tám và 10 cô gái Đồng Lộc, nhạc sĩ sáng tác “Người con gái sông La” dựa trên lời thơ Phương Thúy. Bài hát mang âm hưởng của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, ngọt ngào mà da diết: “Em vừa tròn 18 đẹp như xuân sang/Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang…” Tác phẩm được bao thế hệ yêu thích và sống mãi với thời gian.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nói: "Chất âm nhạc sao cho hài hòa giữa đạo và đời, giữa cái đẹp và cái khỏe, giữa chất lính tráng và trữ tình và giữa tính phổ thông phổ cập dễ nghe, dễ hiểu với chất lượng học thuật".
Còn NSND Quang Thọ thì cho rằng: "Cái chất người lính nó rất rõ ràng trong con người nhạc sĩ Doan Nho, cho nên ông viết được những bản hành khúc mà nó trở thành bản chính ca của quân đội chúng ta".
Nhạc sĩ Doãn Nho muốn “Xây thiên đường trên trái đất bình yên“
Bởi vì khí nhạc mới thật là âm nhạc. Thế giới người ta đánh giá một nền âm nhạc dân tộc, một đất nước là người ta căn cứ vào khí nhạc là chính. Khúc tưởng niệm” trong đợt trao giải đầu tiên của Bộ Văn hóa Thông tin năm 1993 dành cho thể loại giao hưởng thì trong đó có khúc tưởng niệm. Hơi thở gốc của nó là từ dân ca của 3 miền. Từ trong sâu thẳm mỗi con ngưởi Việt Nam chúng ta thì nỗi nhớ ơn những người đã khuất, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc sâu lắm. Nó nói lên được cái ý, nỗi thương tiếc vô hạn, biết ơn vô hạn và cũng bất khuất, anh hùng bởi cái tiêc thương ấy không phải để mình ngả lòng, không, không mà phải kiên định, phải làm sao cho xứng đáng với sự hi sinh đó.
Dẫu đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc phơ nhưng hàng ngày, trong ngôi nhà giản dị nằm khuất nẻo bên bờ hồ Ba Mẫu, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn cặm cụi làm việc. Ông bảo, trời còn cho mình sức thì mình còn cống hiến cho âm nhạc nước nhà. Để rồi, công chúng yêu nhạc còn nhớ mãi một cuộc đời cháy hết mình cho sáng tạo nghệ thuật, một trái tim luôn mê say với âm nhạc và tên tuổi Doãn Nho sẽ mãi còn lắng đọng trong lòng khán giả, và những sáng tác của ông sẽ vẫn còn mãi mới thời gian./.