Thủ tướng: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm điều hành nhất quán của Thủ tướng và Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn...
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều 4/7. Phát biểu tại hội nghị, các địa phương đều thể hiện sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, song cũng nêu một số vướng mắc, trong đó có vấn đề phát triển chính quyền điện tử; thủ tục hành chính còn rườm rà trong cấp phép đầu tư đối với một số dự án; còn sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở; vấn đề giá điện đối với các dự án điện sạch; vấn đề chống dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ nêu vướng mắc khai chính quyền điện tử ở địa phương cũng gặp khó khăn: “Về Chính phủ điện tử, thời gian qua các địa phương rất phấn khởi về việc khai trương hệ thống thông tin e-Cabinet của Chính phủ. Chủ trương xây dựng chính quyền điện tử cũng được các địa phương hết sức quan tâm và từng bước triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, việc tự tìm kiếm các giải pháp để đầu tư vào lĩnh vực này ở Cần Thơ còn nhiều hạn chế, như chưa đủ hành lang pháp lý cho việc đi thuê ngoài, rất quan ngại chuẩn thông tin theo khung kiến trúc Chính phủ 2.0, hay thiết bị làm thế nào để đồng bộ, đảm bảo tương thích và phù hợp với cấu trúc mô hình Chính phủ điện tử Trung ương. Do vậy kính đề nghị Chính phủ cho triển khai các dự án, đề án Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử như giải pháp e-Cabinet vừa rồi xuống các địa phương để triển khai thực hiện một cách liên thông, thống nhất nhất”.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thì kiến nghị về việc đẩy nhanh thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính: “Thứ nhất là vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư, có dự án UBND tỉnh trình Chính phủ thì quá trình thực hiện các thủ tục, thẩm định cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư thời gian kéo dài lâu.
Do đó, tỉnh thống nhất với kiến nghị của một số tỉnh, kiến nghị việc cấp giấy phép cho nhà đầu tư có vốn ngoài ngân sách thì ủy quyền cho địa phương để cấp phép. Về cấp phép đầu tư sân gôn, cũng thống nhất với một số địa phương là Chính phủ chỉ nên quy định tiêu chí để cấp phép, còn nên phân cấp ủy quyền cho các địa phương cấp phép để tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, các bộ, ngành cũng cho biết sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này cũng các bộ, ngành khác hoàn toàn có khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó giải pháp quan trọng là đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Lê Minh Khái báo cáo Hội nghị về tình hình thực hiện công tác thanh tra kiểm tra, nhất là tình trạng chồng chéo trong công tác này. Nhắc lại phát biểu của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sáng nay, năm qua có tới 14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, ông Lê Minh Khái cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra trong doanh nghiệp. Trong kế hoạch năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã điều chỉnh giảm 30% số cuộc thanh tra thường xuyên.
Nói về nguyên nhân chồng chéo và đề xuất giải pháp, ông Lê Minh Khái cho biết: “Hiện nay có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Riêng trong hệ thống thanh tra đã có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành; thanh tra tỉnh, thành; thanh tra huyện; kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra các cấp.
Trong thiết chế thì làm theo luật, nhưng đối tượng thanh tra thì lại trung nhau. Ví dụ một dự án, theo quy định hiện nay, các cơ quan đều có chức năng làm. Sắp tới, về lâu dài phải tính toán rõ xem cơ quan nào kiểm tra tài chính, cơ quan nào kiểm tra ngân sách, cơ quan nào kiểm tra tính tuân thủ pháp luật, đơn vị nào kiểm tra tài sản công... Cần có nghiên cứu về tổng thể để tránh chồng chéo”.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. |
Trước thực trạng Hệ thống siêu thị Big C từ chối nhập một số hàng hóa của Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương xem xét có việc kỳ thị sản phẩm Việt Nam ngay trên lãnh thổ nước ta không, bởi đây là điều đã dự báo từ trước.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành trả lời rõ ràng ý kiến mà các địa phương nêu ra tại cuộc họp, nếu vượt thẩm quyền giải quyết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Cùng với đó là đôn đốc các địa phương giải quyết các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù GDP tăng trưởng sau 6 tháng chưa phải là cao nhưng là có thể chấp nhận được trong bối cảnh thế giới có rất nhiều bất ổn, tác động đến nước ta. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai hoàn thành mục tiêu cả năm.
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, Thủ tướng yêu cầu đạt mức 6,6 đến 6,8%, nên việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có có việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Mặc dù giá dịch vụ y tế, giá học phí có thể tiếp tục điều chỉnh tăng, nhưng Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tính toán để lạm phát không được quá 4% cả năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm điều hành nhất quán của Thủ tướng và Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và cả nước bắt tay thực hiện hoàn thành kế hoạch của từng doanh nghiệp, bộ, ngành và địa phương, góp phần vào thực hiện thành công các mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, không có chuyện điều chỉnh các mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh, thời cơ rất lớn cho hàng hóa Việt Nam sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Thủ tướng đặt câu hỏi với các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp là làm gì để tận dụng được cơ hội này?! Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nửa cuối năm rất nhiều rủi ro đối với hoạt động thương mại, nên cần chuẩn bị giải pháp ứng phó đúng và trúng.
“Đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời hơn, có chương trình tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước. Kiểm tra đánh giá ngăn chặn tình trạng đội lốt hàng hóa xuất xứ Việt Nam và xử lý nghiêm vi phạm. Hiện có hai Hiệp định đang có cơ hội phát huy tốt là CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Chúng ta luôn luôn nhớ chúng ta có thị trường 100 triệu người dân có nhu cầu rất lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng cho biết vừa ký ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và giao Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan phải triển khai nhiệm vụ từ cơ sở và cương quyết xử lý các vi phạm. Song song với đó là đón các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thành, ban hành các hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch.
Tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, để đề xuất giải pháp phù hợp nhất là đối với người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn cung ứng điện bởi “điện không chỉ là vấn đề kinh tế, bởi nếu mất điện thì thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự”. Do đó, cần đảm bảo nguồn điện ngay từ bây giờ thay vì để đến năm 2022-2023./.