Sân khấu cải lương 2018 vẫn chưa “mùi”
VOV.VN - Đã có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng sân khấu cải lương sau 100 năm vẫn chưa chất, ít thấy “cải lương”.
Liên hoan Sân khấu (LHSK) cải lương toàn quốc 2018 được tổ chức tại Tân An, Long An, với 32 vở diễn của 25 đoàn từ Nam ra Bắc đã cống hiến đại tiệc cho các fan ghiền cải lương phía Nam nói chung, người dân Long An nói riêng. Đã có nhiều tín hiệu lạc quan cho cải lương nhưng xem ra sân khấu cải lương sau 100 năm vẫn ít thấy “cải lương”.
Kết thúc LHSK cải lương toàn quốc 2018, Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho các vở diễn gồm: “Chiếc áo thiên nga” của Đoàn cải lương Việt Nam, “Kiếp tằm” của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, “Tổ quốc cuối con đường” của Nhà hát Thế giới trẻ, “Hiu hiu gió bấc” của Nhà hát Trần Hữu Trang, “Cuộc đời của mẹ” của Đoàn cải lương Long An, “Bão táp một vương triều” của Đoàn Nghệ thuật Đồng Nai. Và 7 huy chương bạc cho 7 vở.
49 Huy chương Vàng và 66 Huy chương Bạc cho các diễn viên, cùng các giải cho thành phần sáng tạo gồm: Tác giả xuất sắc: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên với vở "Cuộc đời của mẹ"; Đạo diễn xuất sắc: NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở "Chiếc áo thiên nga"; Sáng tác nhạc xuất sắc: Nhạc sĩ Minh Tâm với vở "Hiu hiu gió bấc"; Họa sĩ xuất sắc nhất: Trần Hồng Vân với vở "Tình yêu thời chiến".
Vở "Chiếc áo thiên nga" - Nhà hát cải lương Việt Nam. |
Tín hiệu lạc quan
Liên hoan đã tạo một sàn diễn khá bình đẳng giữa các đoàn công lập và tư nhân, hướng tới nâng cao sự chuyên nghiệp của sân khấu cải lương nói chung. Cho dù việc đầu tư giữa các đoàn có sự chênh lệch về tài chính, nhưng việc đầu tư chuyên môn thì rất ít thấy sự cách biệt, các đoàn phần lớn đều mời những tên tuổi sáng giá trong thành phần sáng tạo vở diễn.
Một sự tỏa sáng của LHSK cải lương 2018 là các vai diễn chính của các đoàn phần lớn là giọng ca tên tuổi đã tỏa sáng từ những cuộc thi vọng cổ, gameshow cải lương, có giọng ca đẹp, thể hiện bài bản chắc, vững, mượt mà, sắc vóc sáng sân khấu… như: Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Tô Tấn Loan, Kim Luận, Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, Thu Vân, Thành Vinh, Nguyễn Văn Đáng, Hồng Thủy, Lê Duy, Phương Anh, Hoàng Khanh, Hoàng Việt Trang, Diễm Thanh, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Nguyễn Thanh Toàn, Minh Trường, Công Thắng, Bùi Trung Đẳng, Mỹ Vân, Kim Phụng, Tuyết Nhung..
Trẻ ở các thành phần sáng tạo vở diễn, từ đạo diễn, nhạc công, thiết kế mỹ thuật... Đã có một cuộc soán ngôi các “cây đa cây đề” đạo diễn như NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở "Chiếc áo thiên nga" và "Kiếp tằm", NSƯT Triệu Trung Kiên với "Ngạ quỷ", đạo diễn Lê Nguyên Đạt với "Người đồng bằng" và "Tổ quốc nơi cuối con đường", đạo diễn Cao Đức Xuân Hồng với "Tiếng vọng hang Hòn", Trương Văn Trí với "Hồn của đá", đạo diễn Phan Quốc Kiệt với "Hiu hiu gió bấc" và "Thành phố buổi bình minh", đạo diễn Lê Trung Thảo với "Ngày đó họ đều còn trẻ".
Cảnh trong "Cuộc đời của mẹ" - Đoàn cải lương Long An. |
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, dù có nhiều kịch bản cũ được dựng lại nhưng các vở diễn tại liên hoan có nội dung phong phú, trong đó một số vở diễn đã có sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, dung nạp các loại hình nghệ thuật khác làm cho cải lương hấp dẫn hơn như: đem dàn nhạc cả tân cổ lên sân khấu trong “Phù sa đỏ”, múa rối trong vở "Ngạ quỷ", tranh cát trong vở "Hồn của đá", cách tân âm nhạc tuồng cổ cho vở "Rạng ngọc Côn Sơn", mời ca sĩ ngôi sao diễn cải lương vở "Thái hậu Dương Vân Nga", đưa nghệ thuật chèo vào vở "Trống trận Ba Đình"..
Hay như gương mặt thiết kế mỹ thuật sân khấu rất trẻ lại là nữ đã “đánh bật” các bậc cha chú thành danh là họa sĩ Trần Hồng Vân bởi cách sáng tạo thoát khỏi mặc định bục bệ lâu nay.…
Và chính sức trẻ của những người trẻ đã mang diện mạo tươi trẻ cho LHSK cải lương, như một minh chứng sức sống trăm năm của loại hình nghệ thuật này vẫn đang được nối tiếp và phát triền.
Cải lương mà chưa “mùi”
Trước hết là một Ban giám khảo, dù không có “dính” bất cứ vài trò gì trong các vở diễn tham dự, nhưng có phần “yếu” chuyên môn, chưa đủ uy tín với giới nghề, và ngay cả với bạn diễn. Không có một nhà Lý luận phê bình sân khấu chuyên về cải lương, không có một nhà biên kịch cải lương, không có họa sĩ thiết kế..., trong khi diễn viên thì chiếm đa số (chỉ có một giám khảo chuyên môn âm nhạc). Vậy thì sao có thể đánh giá - thẩm định chuẩn và công bằng các vở diễn theo đủ góc nhìn chuyên môn?
"Ngạ quỷ" - Nhà hát cải lương Việt Nam. |
Chưa kể Ban giám khảo vẫn còn tư duy cũ kỹ, chưa tự đổi mới để chấp nhận những sáng tạo trong nội dung và trong cách thể hiện. Ví dụ đã “loại” ra khỏi vòng xét giải vở “Thất lạc giữa gia đình” của đoàn cải lương Hải Phòng vì có chi tiết con gái (nhà báo) tố cáo cha (đại gia bất động sản khuynh loát cả giới lãnh đạo địa phương), vì cho rằng “vi phạm đạo đức”. Trong khi đây là vở duy nhất về đề tài chống tham nhũng theo thời sự “nóng” của LHSK cải lương.
NSND Lê Tiến Thọ, Chỉ đạo LHSK cải lương 2018 phát biều: "Có 2 suy nghĩ từ cách làm này: một là mời đạo diễn lừng danh sẽ dễ có giải thưởng, hai là dễ xin ngân sách đầu tư cho vở với số tiền lớn. Nhưng rồi một đạo diễn dựng nhiều vở cùng thời điểm thì thời gian đâu chăm chút, làm sao đạt hiệu quả nghệ thuật?". Vì thế mới có tình trạng 1 người mà cùng lúc làm nhiều vở cho nhiều đoàn. Chính vì thế sự sáng tạo không rõ nét, chất lượng vở diễn không cao.
Bệnh thành tích vẫn còn đậm, do muốn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ có huy chương để đủ chuẩn xét danh hiệu NSUT, NSND nên nhiều vai diễn chính rất non kém, chưa đủ tính chuyên nghiệp. Ca và diễn chênh nhau khá nhiều, ca hay mà diễn kém, hoặc khi ca bài bản không đúng tâm trạng, tình huống làm giảm chất lượng vở diễn. Chưa kể có diển viên còn hát nhép.
Các vở diễn tham dự cuộc thi chưa thật sự hướng tới công chúng, nhiều vở chỉ có thể thi chứ khó mang đi biểu diễn phục vụ đồng đảo quần chúng, kể cả đoạt giải cao, nhất là các vở của các đoàn công lập. Trong 32 vở diễn, hơn 2/3 là có đề tài hiện đại, số còn lại khai thác đề tài lịch sử, dã sử, dân gian. Tuy nhiên, có vở quá cũ như "Bến nước Ngũ Bồ", “Thái hậu Dương Vân Nga”, đã trên 40 năm nay vẫn còn đoàn dựng để tham dự liên hoan.
Cảnh trong vở "Hiu hiu gió bấc" của Nhà hát Trần Hữu Trang. |
Các bài bản ca diễn cũng quá trùng lặp, có thể do việc thiếu hụt soạn giả, có một soạn giả phải đảm đương 6 vở hay ít nhất cũng 2-3 vở. Điển hình như việc quá nhiều kịch bản sử dụng "Đoản khúc lam giang", "Phi vân điệp khúc", "Vọng kim lang"... trong khi còn rất nhiều bài bản cải lương hay chưa được khai thác.
Các đạo diễn chưa thật sự sáng tạo mảng miếng, vẫn những chiêu trò cũ bao năm nay của mình như phiên bản 2018, các đạo diễn trẻ thì sáng tạo theo kiều lắp ghép, thậm chí gần như lấy nguyên của người đi trước, nên xem lại thấy non tay. Trong thiết kế sân khấu vẫn còn kiểu bục bệ rất phổ biến, sân khấu ước lệ đương đại hiếm có. Nhiều đoàn lạm dụng màn hình led tưởng rằng sáng tạo, hiện đại, đưa công nghệ vào sân khấu cải lương nhưng hiệu ứng xem ra có chiếu thất thế.
LHSK cải lương toàn quốc 2018 khép lại với nhiều trăn trở nhân sự, băn khoăn về sự phát triển và chất lượng của bộ môn cải lương sau 100 năm sẽ như thế nào. Trẻ nhưng phải khỏe và có sức lan tỏa bền vững, có sự kết nối các “dòng” sân khấu cải lương để bộ môn nghệ thuật này thực sự tỏa sáng trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại. Cải lương phải thật "mùi", phải “cải lương” thật sự./.
Sân khấu cải lương Việt vẫn thiếu nhân sự