Tinh giản biên chế 2018: Đối tượng nào có nguy cơ cao nhất?
VOV.VN - Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế.
Công tác cán bộ, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng được nhắc tới tại Hội nghị của Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 28/12. Trong các phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh vai trò của nhân tố con người, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tinh giản những cán bộ viên chức lơ là với công việc. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu thực tế: “Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc trong nhân dân ở một bộ phận cán bộ”.
Chúng ta nói nhiều đến tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Nhiều hạn chế, bất cập, yếu kém trong lĩnh vực kinh tế - xã hội chậm được cải thiện. “Tại sao vậy?” – người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi và lý giải: “Vấn đề mấu chốt vẫn là con người thực hiện. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân. Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ của chúng ta”.
Thủ tướng bày tỏ sự sốt ruột khi thấy rõ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ. Dễ thấy nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong lúc thế giới đang chuyển động rất nhanh, Chính phủ đã có đề án, nhưng chúng ta gần như dậm chân tại chỗ, nhiều nơi không biết làm từ đâu? Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến sự trì trệ tại một số địa phương, nhiều nhiệm vụ, chủ trương được đưa ra nhưng lại bị bỏ qua.
“Nhiều việc nói nhưng không chịu triển khai, không chịu làm nên trì trệ. Những thông báo của Chủ tịch tỉnh, các Sở, ngành có làm đâu? Tôi đề nghị biểu dương, nêu tên, phê bình mạnh mẽ việc này. Khâu quan trọng của Nhà nước là thanh tra, kiểm tra, đôn đốc. Không phải phát chủ trương ào ào rồi không ai thực hiện.” – Thủ tướng nói.
Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ; hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay, những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế; hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt, tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực của dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất.
Tại Hội nghị quan trọng này của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về công tác cán bộ, đã yêu cầu cần triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức./.
Thủ tướng: "Đừng nói chuyện biếu xén, tết nhất nữa"