5 thách thức lớn của Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp
Ông Macron, 39 tuổi, phải hàn gắn một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao và củng cố an ninh cho đất nước sau nhiều cuộc khủng bố.
Tuy chiến thắng đối thủ với số phiếu vượt trội, Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức lớn tồn đọng qua nhiều đời chính quyền, trong khi bản thân là người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị.
Ông Macron và vợ trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 ngày 7/5. Ảnh: AP. |
1. Đoàn kết nước Pháp
Ông Macron, một nhân vật trung dung theo đường lối ủng hộ Liên minh châu Âu, sẽ lãnh đạo một nước Pháp có đến gần một nửa số cử tri ủng hộ những ứng viên cực đoan với quan điểm chỉ trích EU, toàn cầu hoá và tầng lớp tinh hoa. Điều này thể hiện rõ rệt qua vòngt bầu cử đầu tiên.
“Hai nước Pháp” như bị phân chia về mặt địa lý, đó là vùng thành thị có ảnh hưởng lớn và cởi mở với cải cách; và một vùng nông thôn phía bắc có điều kiện kém thuận lợi hơn. Chính những người dân phía bắc đã bỏ phiếu cho ứng viên đảng cực hữu Marine Le Pen.
Ông Macron biết rằng một bộ phận cử tri bỏ phiếu cho ông không phải vì bị thuyết phục bởi đường lối tranh cử, mà chỉ nhằm ngăn chặn bà Le Pen nắm quyền lực. Sự ủng hộ này dành cho ông có thể nhanh chóng “bốc hơi” khi bước vào mùa bầu cử quốc hội.
2. Thế đa số bất khả thi
Ông Macron cam kết vượt ra khỏi biên giới “cánh tả - cánh hữu” truyền thống để xây dựng một thế đa số mới trung dung. Ông đã thành lập đảng En Marche chưa đầy một năm nhưng nó thu hút tới hàng trăm nghìn người ủng hộ.
Macron đã vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên với gần 1/4 tổng phiếu bầu. Khi đối mặt trực tiếp với bà Le Pen, ông giành được tới gần 2/3 số phiếu.
Sau khi đắc cử, nhiệm vụ của ông là tiếp tục tận dụng sự ủng hộ vượt bậc này trong lịch sử Pháp để duy trì sự hiện diện vững chắc trong quốc hội cho đảng của mình.
Macron tin rằng người Pháp sẽ tiếp tục trao cơ hội chiến thắng lần nữa vào cuộc bầu cử quốc hội lần lượt diễn ra ngày 11 và 18/6 tới đây.
Tân Tổng thống Pháp Macron: Người “cởi trói cho nước Pháp”
Tuy nhiên, phe trung tả truyền thống (mà ứng viên là cựu thủ tướng Francois Fillon đã bị đánh bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên) hy vọng phản công và có thể buộc đảng của Macron thành lập liên minh trong quốc hội.
Đảng của ứng viên Jean-Luc Melenchon (giành được 19,6% phiếu bầu trong vòng bầu cử đầu tiên) cũng được cho là đang chờ cơ hội "phục thù”.
3. Cuộc chiến về luật lao động
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Macron chỉ trích Pháp đã thất bại trong việc giải quyết nạn thất nghiệp. Tỷ lệ người không có việc làm ở Pháp đến nay là 10%, cao hơn mức trung bình của EU là 8% và vượt xa chỉ số của nước láng giềng Đức là 3,9%.
Ông Macron đặt mục tiêu cắt giảm thất nghiệp còn 7% đến trước năm 2020 bằng cách thay đổi luật tuyển dụng, nới lỏng hạn mức về giờ làm việc của Pháp (hiện nay là không quá 35 giờ/tuần)...
Ông Macron cam kết sẽ cải cách luật lao động bằng các sắc lệnh hành pháp ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền. Sự thúc đẩy quy trình này (và qua mặt quốc hội) có thể dấy lên sóng gió trong những tháng đầu tiên của ông Macron. Những nhóm công đoàn chắc chắn sẽ phản đối dữ dội, tổ chức biểu tình như những gì họ đã làm với Thủ tướng Manuel Valls hồi năm ngoái.
4. Chống khủng bố
Việc một cảnh sát bị sát hại ngay ở đại lộ Champs-Elysees ở trung tâm Paris chỉ 3 ngày trước vòng bỏ phiếu đầu tiên là lời cảnh báo ám ảnh về nỗi lo khủng bố vẫn đe doạ nước Pháp.
Hơn 230 người đã chết sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp kể từ tháng 1/2015. Tổ chức IS đã nhận trách nhiệm phần lớn các vụ việc.
Bên cạnh những chiến binh Hồi giáo là hàng trăm tay súng vốn là người Pháp nhưng đã bị cực đoan hoá. Nhóm này được cho là sẽ trở về quê hương để hành động sau nhiều năm ở Syria và Iraq.
Vì là người chưa hề có kinh nghiệm trong an ninh quốc gia, ông Macron cần phải nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh trong vấn đề chống khủng bố, củng cố vai trò là tổng tư lệnh của nước Pháp.
Tướng Jean-Paul Palomeros, cố vấn quân sự của ông Macron, dự đoán những cam kết quân sự của Pháp ở Trung Đông và châu Phi sẽ không thay đổi.
5. Cải cách EU
Tổng thống đắc cử Pháp tin rằng việc khôi phục trục liên minh Pháp - Đức là vấn đề then chốt để chấn hưng EU sau những cú sốc như khủng hoảng nhập cư và Anh rời EU.
Trong những tháng đầu tiên, ông Macron dự định công du những quốc gia lớn trong EU để giới thiệu về “lộ trình 5 năm để xây dựng ngân sách hiệu quả cho EU và tạo ra một châu Âu cho 27 nước”.
Một số nhà phân tích cho rằng các đề xuất này của ông Macron có thể gặp khó khăn. Đó đều là những tham vọng táo bạo đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước.
Ông Macron cũng tuyên bố quyết tâm phát triển hợp tác quốc phòng chung giữa các nước châu Âu qua việc điều phối các chiến dịch và hoạt động công nghiệp trong lĩnh vực này./. Châu Âu trút bỏ được gánh nặng sau cuộc bầu cử Pháp