Thủ tướng chỉ đạo Gia Lai tập trung cải thiện đời sống cho người nghèo
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Gia Lai tập trung hỗ trợ người dân thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Chiều nay (30/12), theo chương trình công tác tại Gia Lai, dự Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Thủ tướng chỉ đạo Gia Lai tập trung cải thiện đời sống cho người nghèo. |
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai còn cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung hỗ trợ người dân, trong đó cần thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, năm 2018, 20/20 chỉ tiêu thực hiện các nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh liên tục tăng qua các năm và hết năm nay đạt 46,35%. Năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8%, thu ngân sách gần 4.500 tỷ đồng. Đến nay tỉnh đã có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 32% số xã. Riêng Thành phố Pleiku đã hoàn thành nhiệm vụ này.
Dù kinh tế xã hội có nhiều kết quả tích cực, nhưng Gia Lai vẫn có tỷ lệ hộ nghèo cao với trên 10%, chủ yếu là là đồng bào dân tộc thiểu số . Bên cạnh đó, việc giao rừng cho các hộ gia đình còn hạn chế, nên khó khăn trong phát triển kinh tế rừng cho người dân địa phương.
Gia Lai có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhất là rừng và các nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay không thể mở đường xuyên rừng để vào điểm du lịch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Gia Lai cần tuyển dụng thêm giáo viên khi hiện tỉnh đang thiếu khoảng hơn 5.200 giáo viên. Cùng với đó là huy động nguồn lực để nâng cấp các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, phục vụ người dân. Tỉnh cũng cần có biện pháp quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân tộc thiểu số.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Gia Lai. |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kinh tế xã hội của Gia Lai phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Quá trình xây dựng nông thôn mới triển khai quyết liệt và có kết quả tích cực. Y tế, giáo dục, việc làm, chăm lo cho đối tượng người chính sách, người có công được quan tâm.
Tuy tốc độ giảm nghèo của tỉnh đã giảm 3% so với năm ngoái, song Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai còn cao với hơn 86% người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những làng 100% thuộc diện nghèo. Tỉnh cần nhìn thẳng vào sự thật này để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả.
Với việc địa bàn tỉnh có 4.000ha tiêu bị sâu bệnh chết hoặc cà phê sụt giá khiến người dân chưa trả nợ được ngân hàng, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân, trong đó thể kiến nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tái cơ cấu nợ giúp bà con tiếp tục đầu tư làm ăn.
Cho rằng kinh tế của tỉnh tăng trưởng dưới tiềm năng, quy mô nhỏ, Thủ tướng chi ra động lực tăng trưởng là số lượng doanh nghiệp còn thấp. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường.
Thủ tướng chỉ rõ từ một kết quả khảo sát, đó là doanh nghiệp đánh giá gánh nặng tần suất thanh tra kiểm tra doanh nghiệp còn lớn, thiếu sự phối hợp và cán bộ thanh kiểm tra còn nhũng nhiễu doanh nghiệp khi thực hiện công vụ.
Cùng với đó, hiệu quả, hiệu lực thực thi ở cấp cơ sở, ngành, huyện thị của Gia Lai có “vấn đề”. Có 81% doanh nghiệp cho biết, dù ở cấp tỉnh có sáng kiến, chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện ở cấp sở, huyện, lại chưa tốt. Nêu lên vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo Gia Lai phải rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để thúc đẩy phát triển.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhắc lại chiến lược phát triển của Tây Nguyên mà Thủ tướng đã nêu ra: Đó là đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới.
Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21. Thủ tướng cho rằng, muốn triển khai định hướng chung này tại địa bàn Gia Lai, thì tỉnh phải có biện pháp khoa học và thực sự quyết liệt.
Về nhiệm vụ cụ thể hơn, Thủ tướng tán thành với ước mơ của tỉnh là tự cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, với việc hiện tỉnh mới tự chủ được khoảng 1/3 ngân sách, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn phải quyết tâm rất lớn, trong đó cần chú trọng phát triển các ngành có thế mạnh, như năng lượng điện gió, mặt trời. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ ra các hướng đi cho Gia Lai.
“Gia Lai tập trung vào 3 hướng chính: đó là kinh tế nông-lâm sản chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; phát triển một ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như năng lượng gió và mặt trời, công nghiệp chế biến. Đi liền với đó là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy các thế mạnh này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Nhấn mạnh phát triển du lịch là một lợi thế của Gia Lai, nhưng Thủ tướng chỉ đạo, trong phát triển phải chú trọng giữ gìn văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. Tỉnh cần đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển thương hiệu du lịch cao nguyên của Việt Nam dựa trên tài nguyên thắng cảnh phong phú, văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc trồng rừng nguyên liệu, phát triển chế biến gỗ tại Gia Lai, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
“Phần lớn dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thì đều sống dựa vào nông nghiệp. Chính vì vậy phải trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất. Hiện tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đồ gỗ từ rừng trồng của nước ta tăng nhanh, gần 10 tỷ USD. Trồng rừng gỗ lớn vừa góp phần che phủ rừng, vừa góp phần vào trung tâm chế biến đồ gỗ của thế giới ở Việt Nam. Chính vì vậy mà các hình thức giao đất và trồng rừng, để dân số sống nhờ rừng, dưới rừng là rất quan trọng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo, hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai vẫn là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong phát triển phải giải quyết đồng thời 4 bài toán kinh tế; xã hội; môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa.
Trước đó trong sáng nay, tại Thành phố Pleiku, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và tặng quà ông Nguyễn Trọng Đông, thương binh 81% và bà Lê Thị Hiến, lão thành cách mạng./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Techfest 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nguyên Phó Thủ tướng Đức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kế hoạch Campuchia