Hà Nội: Cần có đề án chiến lược để bảo tồn, phục hưng ca trù
VOV.VN -Thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn về chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, các chính sách, kinh phí cho việc trao truyền và phát huy giá trị di sản.
Trước những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phục hưng ca trù, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc chú trọng truyền dạy, tìm lớp trẻ kế cận thì những người hoạt động, thực hành ca trù cũng cần phát huy, làm mới để loại hình nghệ thuật này mang hơi thở của cuộc sống đương đại và đến gần hơn với công chúng. Các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cần xây dựng đề án chiến lược lâu dài để bảo tồn, phục hưng ca trù bền vững, từng bước đưa ca trù ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
iên hoan ca trù Hà Nội năm 2016 phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ ca trù. |
Từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố Hà Nội đã có động thái tích cực góp phần giúp di sản ca trù “hồi sinh” như hỗ trợ kinh phí cho các Câu lạc bộ tham gia liên hoan, hội diễn; cấp một phần trang thiết bị giúp các nghệ nhân yên tâm hơn trong việc thực hành, truyền dạy ở cơ sở. Năm 2015, ghi nhận những đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca trù, thành phố Hà Nội đã có 29 nghệ nhân ca trù được vinh danh là nghệ nhân ưu tú. Qua 3 lần tổ chức liên hoan ca trù trên toàn thành phố đã tạo “cú hích” khuyến khích thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời phát hiện được nhiều tài năng trẻ trong loại hình nghệ thuật này.
Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, người nhiều năm nghiên cứu về ca trù cho rằng: Việc tổ chức các liên hoan, cuộc thi là cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, tạo sân chơi giao lưu, học hỏi và thực hành ca trù cho nghệ nhân và các bạn trẻ yêu ca trù.
"Cuộc thi thực sự đã có nhiều tài năng trẻ, đây có thể nói là điều tuyệt vời của ca trù Hà Nội. Tôi thấy đã có một số ca nương hát theo lối hát của các nghệ nhân và tôi phát hiện ra rằng các em nghe rất kỹ các băng âm thanh vì có rất nhiều nghệ nhân đã không còn. Ví dụ như cụ Nguyễn Thị Chúc đã mất nhưng có em đã có giọng hát rất giống cụ. Điều đó chứng tỏ tư liệu đang tác động rất tích cực tới các em. Và điều tôi cho rằng rất quan trọng là các đào nương của các thế hệ trước mà chúng ta tổ chức các cuộc thi họ đang là các bậc thầy truyền dạy, đấy là điều rất mừng", nhạc sỹ Đặng Hoành Loan nói.
Ca trù Hà Nội: Phát triển về số lượng nhưng thiếu bền vững
Là một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học, việc bảo tồn ca trù đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là lớp nghệ nhân truyền nghề hầu hết đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, lớp kế cận không nhiều, trong khi đó nghệ thuật này lại kén người nghe, người học. Vì vậy, song song với việc truyền dạy, đào tạo nhiều thế hệ tâm huyết, gắn bó với ca trù thì việc tìm kiếm khán giả cho ca trù cũng là điều cần thiết. Hiện huyện Đông Anh đã đưa ca trù vào các tiết học ngoại khóa của học sinh tại xã Liên Hà - nơi có ca trù Lỗ Khê, cùng một số xã lân cận. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa cần được nhân rộng, trước hết, là ở những địa phương có ca trù. Vì chỉ khi có khán giả thì ca trù mới có môi trường để tồn tại một cách bền vững.
Bà Phùng Thị Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nêu ý kiến: "Tôi có kiến nghị là ca trù được quan tâm hơn nữa, đưa ca trù vào trong những nội dung ngoại khóa ở trong trường học để các lớp trẻ được tiếp cận ca trù sớm hơn. Đó là điều duy nhất mà tôi mong muốn và các cấp, các ngành chức năng nên đưa ca trù này hoạt động thường xuyên, liên tục để môn nghệ thuật này khỏi bị mai một".
Để đưa di sản ca trù đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, Vũ Thị Thùy Linh, Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị cho rằng: các ngành chức năng, chính quyền địa phương tại cơ sở tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá đưa ca trù vào các tuyến, các điểm du lịch của Thủ đô: "Chúng tôi là những người thực hành nghề thì chỉ muốn có một không gian biểu diễn, một điều kiện tốt nhất để có thể thường xuyên được thể hiện những điều mình được học. Thứ hai là làm thế nào để quảng cáo rộng rãi hơn, để ca trù gần gũi hơn với người dân, đặc biệt với các bạn trẻ. Cho nên, tôi nghĩ làm thế nào để có nhiều đất diễn hơn cho những người thực hành nghề, đó mới là một trong những việc để nó tồn tại được, còn nếu không chỉ thỉnh thoảng hoặc 2 năm tổ chức một lần liên hoan thì rất khó".
Tại các cuộc hội thảo tìm các giải pháp bảo tồn ca trù Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân cho rằng: Hà Nội hiện đang là một trong những địa phương sở hữu nhiều CLB ca trù cũng như nhiều nghệ nhân nhất trong số 14 tỉnh, thành có ca trù hiện nay. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần đi đầu trong việc kiểm kê, đánh giá toàn bộ thực trạng ca trù trên địa bàn thành phố hiện nay, từ đó xây dựng đề án chiến lược bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca trù, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho hoạt động này ở các địa phương có ca trù.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đề xuất: "Bởi vì ca trù còn đang ở trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, tức là rất ít người biết hát ca trù và còn rất ít người truyền dạy. Vì vậy, việc khẩn cấp đầu tiên là phải trao truyền được ca trù từ thế hệ nòng cốt đang giữ ca trù này cho một thế hệ mới trẻ hơn, năng động hơn và nhiệt huyết hơn trong việc bảo vệ ca trù. Thứ hai là phải làm cho cộng đồng liên quan đến ca trù nhận thức được ca trù là một di sản có giá trị và đại diện của chính cộng đồng ấy và cần cho họ một sự hiểu biết về ca trù, đào tạo họ trở thành những công chúng của ca trù. Cũng cần có những đề tài nghiên cứu để ca trù có tính hiện đại, mang hơi thở của đời sống đương đại. Có như vậy thì lớp trẻ mới quan tâm và di sản nằm trong tay thế hệ trẻ".
Bên cạnh bảo tồn, lưu giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, các CLB Ca trù của Hà Nội sáng tác thêm 18 làn điệu mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe. Trong Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 vừa diễn ra đã có 36 bạn trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 30 tuổi tham gia. Điều này cho thấy, nhiều bạn trẻ của Thủ đô đã nhận thức được giá trị của di sản ca trù cũng như trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Để duy trì, phát huy những kết quả này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ phát triển ca trù bằng cách tạo điều kiện cho các câu lạc bộ có điểm biểu diễn ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và trong khu phố cổ Hà Nội. Thành phố sẽ tập trung vào đẩy mạnh hoạt động truyền dạy và thực hành ca trù ở cơ sở.
Ông Trương Minh Tiến cho biết: "Hiện nay, Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội đã hoàn thành đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố và trong đó có khoảng 10 loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp trong đó có ca trù. Sau khi thành phố phê duyệt đề án này thì chúng tôi sẽ lập đề án nhỏ và sẽ tập trung một số nguồn lực ban đầu để hỗ trợ cho hoạt động ở cơ sở. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho thành phố để hỗ trợ về mặt địa điểm, về mặt truyền dạy… Cái chính là ở dưới cơ sở cũng phải đưa hoạt động ca trù này vào trong dịp lễ hội đầu xuân để phục vụ bà con thì cũng là góp phần rất tốt".
Từ khi ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đến nay đã được 7 năm nhưng Các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội vẫn đều hoạt động trên tinh thần yêu nghề, tự vận động kinh phí xã hội hóa. Cho nên trước khi xây dựng được một đề án chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù, thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn về chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, các chính sách, kinh phí cho việc trao truyền và phát huy giá trị di sản chứ không thể trông chờ mãi vào tâm huyết của các nghệ nhân, người yêu ca trù. Chỉ có thế, nghệ thuật ca trù mới sống được trong đời sống đương đại và được bảo tồn một cách bền vững./.