Nón quai thao - món trang sức làm nên nét duyên người quan họ

VOV.VN -Trang phục tiêu biểu tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam bên cạnh tấm áo mớ ba, mớ bảy còn là chiếc nón thúng quai thao.

Chúng tôi may mắn có dịp về thăm Bắc Ninh - cái nôi của những làn điệu quan họ làm lay động lòng người. Được thưởng thức buổi biểu diễn Dân ca quan họ tại nhà chứa làng Diềm, tôi mê mẩn trước hình ảnh các liền chị e ấp, thẹn thùng, duyên dáng bên chiếc nón thúng quai thao. Không phổ biến như nón lá, không nhỏ gọn như nón bài thơ, nhưng chiếc nón quai thao lại có sức hút đặc biệt, làm nên nét duyên thầm của người phụ nữ miền quan họ, làm say lòng biết bao người đã từng một lần đặt chân đến nơi đây.

Nón quai thao ẩn chứa một vẻ đẹp sang trọng, duyên dáng, như mang nặng câu ca trữ tình, đằm thắm.

Chưa ai xác định được chiếc nón quai thao ra đời từ lúc nào, song tương truyền rằng nón xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần (thế kỷ XVIII), được gọi tên là nón thượng. 

Qua đời Lê, nón được thêm quai thao - bộ phận không thể thiếu của chiếc nón, nó chẳng những làm cho nón cân bằng, vững chãi, mà còn làm cho người phụ nữ thêm duyên dáng, thướt tha… Quai thao làm bằng loại tơ đặc biệt, dùng bền lại vừa có giá trị thẩm mĩ cao. Dân gian truyền tai nhau có viên quan trong triều, ông Vũ Đức Úy, trong khi được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, bỏ công học nghề thủ công, dệt thao rồi về nước truyền nghề dệt, nghề dùng sợi tơ làm dây đàn, quai thao cho nón, tạo nên chiếc nón quai thao hoàn hảo.

Nón quai thao - điều kì diệu từ bàn tay nghệ nhân

Nón quai thao là loại nón đắt tiền, đẹp và sang trọng, thường được các bà, các cô đội hoặc mang theo trong những dịp lễ Tết, hội hè hay trong những ngày có công việc cần sự nghiêm chỉnh, lịch sự. 50 năm trở lại đây, khi những làn điệu Dân ca quan họ Bắc Ninh được lan tỏa rộng rãi và nhiều người biết đến, hình ảnh chiếc nón quai thao đã nhanh chóng trở thành biểu tượng đặc trưng của quan họ Bắc Ninh và người ta thường hay gọi vui là “nón quan họ”.

Nón quan họ có hai cách gọi: nón thúng quai thao hay nón ba tầm. Song, theo lời của nguyên Phó Giám đốc Nhà hát quan họ Bắc Ninh Xuân Mùi, hai cách gọi này có sự khác biệt: “Trong cuộc sống hàng ngày, nón thúng quai thao có giá trị sử dụng cao hơn nón ba tầm. Nhưng về mặt thẩm mỹ, nón ba tầm lại có phần bắt mắt hơn. Đó cũng là lý do vì sao người ta thường hay đội nón thúng đi làm đồng, che nắng, che mưa, còn nón ba tầm chỉ sử dụng khi đi hội hè, lễ Tết. Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, các liền chị sử dụng nón ba tầm hoặc nón quai thao với mục đích chính để làm đẹp, tăng thêm phần tự tin, làm duyên làm dáng”.

Nón quan họ có kích thước khá lớn, đường kính mặt nón rộng khoảng 70-80cm, được lợp bằng lá gồi hoặc lá cọ. Những nghệ nhân làm nón phải chọn lá thật khéo, kỹ càng: lá phải mỏng, sống nhỏ, không già, không non. Xung quanh mặt nón là thành nón với chiều cao khoảng 10-12cm. Thành nón che rợp cả khuôn mặt của người đội, nhưng vẫn để lại một không gian rộng, thoáng và mát. Giữa tâm nón là khua nón - một vành tròn cao khoảng 8cm, là sự kết hợp của những sợi tre nhỏ chuốt bóng khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc, ráp đúng vào đầu để giữ cho chắc. Khua nón đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cao, tỉ mỉ, công phu mới có thể làm được. 

Quai thao là bộ phận không thể thiếu của chiếc nón quan họ. Nó thường được làm bằng tơ, nhưng phải là loại tơ đặc biệt, rẻ - bền - giá trị cao, dài chừng 20-25cm, thả võng đến ngang eo. Về mặt “vật chất”, hai chiếc quai thao giúp nón giữ thăng bằng, vững chắc. Khi chuyển động, quai thao sẽ va đập tạo nên âm thanh cộng hưởng nghe rất vui tai. Về mặt thẩm mỹ, quai thao giúp người phụ nữ thêm phần nữ tính, dịu dàng, mềm mại.

Dẫu tưởng cầm nón quan họ là đã đủ duyên dáng, song không phải ai cũng biết cách cầm nón sao cho đúng.

Có duyên được nghe những lời chia sẻ của NSƯT Bích Hồng - giảng viên trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Khi đứng hát, có ba tư thế cầm mà các liền chị thường sử dụng: đội hờ trên đầu, một tay cầm mic, tay còn lại giữ nhẹ vành nón; khoác nón vào vai hay cầm ở tay che trước ngực. Hai quai thao phải luôn song song với mặt đất, rủ xuống thướt tha. Trong quá trình hát, khi liền chị hé nhẹ chiếc nón tức là họ đang muốn giao lưu với liền anh. Mọi hành động liên quan đến chiếc nón đều mang ẩn ý sâu xa, không chỉ chỉ đơn thuần là sử dụng”.

Nón quai thao - điệu hồn quan họ

Văn hóa quan họ không chỉ được biểu hiện trên phương diện âm nhạc và hình thức ca hát mà nó còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục. 

Nán lại sau buổi biểu diễn để tìm hiểu thêm về chiếc nón ba tầm, chị Hai trong CLB quan họ của làng Diềm chia sẻ về niềm tự hào khi được cầm trên tay chiếc nón này: “Đời sống văn minh, phát triển nhưng nón thúng quai thao vẫn thuần túy nguyên hình của nó. Ở bất cứ nơi đâu, từ rừng sâu hẻo lánh, trên đồng ruộng mênh mông, dọc theo sông dài biển cả, chỉ cần cầm trên tay chiếc nón quan họ, niềm tự hào trong chị mãi không phai”.

Ngày nay, chiếc nón quai thao truyền thống đã không còn phù hợp với cuộc sống năng động, hiện đại, cũng không được giới trẻ sử dụng vào mục đích che nắng che mưa như trước nữa. Người ta chỉ còn thấy những nét giá trị truyền thống của tấm áo mớ ba mớ bảy, cùng nón quai thao thông qua các sàn diễn sân khấu, các buổi biểu diễn văn nghệ. Nhưng trong tiềm thức của người Bắc Ninh, đặc biệt là các liền chị, hình ảnh chiếc nón quan họ tuy đơn sơ, giản dị đã đi vào tiềm thức và luôn lắng đọng trong tâm hồn họ. Họ luôn có ý thức mãnh liệt về việc giữ gìn nét đẹp truyền thống này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên