“Chăm lo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng phải làm thường xuyên“

VOV.VN -Cùng các hoạt động tri ân, động viên, thăm hỏi, chăm lo gia đình chính sách, NCC, năm đầu tiên Bộ LĐ-TB-XH gặp mặt các Mẹ VN Anh hùng toàn quốc.

Những ngày này các bộ, ban ngành, địa phương....trong cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7). Cùng các hoạt động tri ân, tặng quà, động viên, thăm hỏi, chăm lo gia đình chính sách, người có công, năm nay là năm đầu tiên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25/7.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết các hoạt động cụ thể mà ngành Lao động Thương binh và Xã hội đang triển khai nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ?

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Như thông lệ, dịp 27/7 kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, ngành lao động thương binh và xã hội tập trung các hoạt động tri ân. Cụ thể những công việc mà chúng tôi đang làm là triển khai 2 sự kiện hết sức quan trọng. Đó là tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Quảng Nam. Và đặc biệt là năm nay tổ chức lễ Gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. Dự kiến khoảng 300 Mẹ hiện nay còn đủ điều kiện sức khỏe về Thủ đô về gặp mặt. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách từ Trung ương đến các địa phương và đặc biệt cơ sở là phải triển khai đồng bộ. Đến giờ này thì các phần việc đã cơ bản rồi, nhất là các chế độ, chính sách của các đối tượng đã được cấp kịp thời. Đặc biệt là quà của Chủ tịch nước thì chúng tôi cũng đã hướng dẫn các địa phương triển khai sớm trước ngày 27/ 7.

PV: Vâng, ông vừa nói đến việc lần đầu tiên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức lễ Gặp mặt các bà Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. Vậy ông có thể rõ hơn về sự kiện ý nghĩa này?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Hiện nay, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn quốc của chúng ta còn sống là 4.968 Mẹ. Và chỉ có 60 tỉnh thành. Riêng 3 tỉnh là: Điện Biên, Lai Châu và tỉnh Hà Giang hiện không còn mẹ còn sống.

Đây là điều mà chúng ta phải trăn trở rất nhiều. Và lần gặp mặt các mẹ này là một điều trăn trở của ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Chúng tôi được biết lâu nay lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm việc này.  Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sỹ và cũng là một năm tổng kết của nhiệm kỳ 5 năm, là dịp rất nhiều ý nghĩa và năm nay cũng là năm có nhiều lễ trọng của đất nước nên việc gặp gỡ này mang nhiều ý nghĩa. Và sắp tới, ngoài việc gặp gỡ các Bà mẹ Việt Nam danh hùng, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục gắn địa chỉ những tổ chức, cá nhân....chăm lo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là việc mà chúng ta phải làm, thường xuyên là và hiện nay đã làm có hiệu quả.

PV: Thưa ông, được biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang tập trung việc thống nhất ghi tên trên phần mộ của các anh hùng liệt sỹ còn thiếu thông tin. Vậy việc này được triển khai đến đâu rồi, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương phải tập trung hoàn chỉnh lại Công trình ghi công liệt sĩ, đặc biệt là mộ liệt sỹ. Chúng tôi vừa qua qua khảo sát và đánh giá ở nhiều nơi- nhiều nghĩa trang liệt sỹ thì trên các bia mộ vẫn còn có ghi “liệt sỹ vô danh” hoặc là “liệt sĩ chưa biết tên” thì vừa rồi chúng tôi có Công điện của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chỉ đạo các địa phương phải hoàn tất công tác điều chỉnh tên của liệt sĩ. Những mộ mà tới giờ này chưa xác định được thông tin thì phải điều chỉnh cho đúng theo Thông tư 13 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tài chính. Đó là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Hiện nay tôi được biết là tại nhiều địa phương trong toàn quốc cũng đã hoàn thành tốt việc này. Tuy nhiên, không phải chúng tôi chỉ ký Công điện văn bản mà tới đây chúng tôi sẽ có kiểm tra thực tế cùng các địa phương.

PV: Thưa ông, một trong những mục tiêu được ngành đưa ra trong năm nay là cơ bản không còn để hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Vậy thực tế cả nước hiện nay hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng có nhiều không, thư ông?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Cuối năm 2018, qua khảo sát và rà soát ở các địa phương thì chúng tôi thấy hiện nhiều địa phương có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Tất nhiên có nhiều yếu tố thì qua phân tích ra, qua khảo sát, rà soát như thế thì có khoảng mười mấy tỉnh.

Chúng tôi thấy cần phải có biện pháp để triển khai ngay. Trên cơ sở Công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi cho Bí thư các Tỉnh ủy, thành ủy, gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thì triển khai theo hướng là yêu cầu các địa phương phải rà soát lại và xem xét từng hoàn cảnh, điều kiện của các hộ nghèo này. Thành viên là người có công trong đó gồm những đối tượng nào?

Hiện nay chúng ta có 12 diện đối tượng mà Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện hành quy định thì phải xem lại. Trong đó, tập trung thực hiện thật tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng và vận động, huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho những người có công với cách mạng có thu nhập, có sinh kế để vượt qua vươn lên thoát nghèo. Và lâu dài thì chúng tôi đang xây dựng sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công và dự kiến vào tháng 8 này sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và trong Pháp lệnh sửa đổi này sẽ có nhiều điểm mới. Trong đó, đặt hẳn một nhiệm vụ: Đó là phải nâng mức sống, đời sống của người có công với cách mạng phải bằng hoặc cao hơn nơi mà cư dân người có công đang sinh sống

PV: Thưa ông, những năm gần đây ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã tập trung việc giải quyết hồ sơ tồn đọng chính sách đối với người có công. Vậy đến thời điểm này, ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng:  Đối với hồ sơ tồn đọng chính sách người thì Bộ đã tập trung triển khai từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Từ dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ đã tập trung xem xét giải quyết các hồ sơ tồn đọng. Đây là một trong những công tác trọng tâm của công tác người có công với cách mạng của giai đoạn từ 2017 đến 2010.

Đến giờ này, theo báo cáo của các địa phương và chúng tôi cũng đã tổng hợp được thì về cơ bản là chúng ta đã giải quyết xong các hồ sơ tồn đọng theo đúng tinh thần Chỉ thị 14 của Ban bí thư. Tức là phải giải quyết căn bản. Đến nay hồ sơ mà chúng tôi đã mở ra từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, kể cả trong nhân dân đã mở ra.

Và hiện nay nhiều địa phương đã không còn hồ sơ tồn đọng và chuyển giai đoạn mới 2021 thì chúng tôi đang phải tiếp tục có những điều chỉnh theo hướng là sẽ xem xét không gọi là hồ sơ tồn đọng nữa. Mà gọi là xem xét những trường hợp mất tin, mất tích, thiếu thông tin, hồ sơ chưa đầy đủ. Hoặc là có những trường hợp còn vướng mắc trong thực tiễn thì chúng tôi sắp tới từ giai đoạn 2021 trở đi, ngành sẽ tập trung theo hướng là xem xét tất cả các trường hợp. Bởi hồ sơ tồn đọng là những hồ sơ cơ bản là đủ, nhưng do từng thời, kỳ giai đoạn chúng ta bây giờ phải giải quyết cho dứt điểm, thì đến nay là cơ bản rồi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên