Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục phản đối việc Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu làm thành viên, đổi lại một số nhượng bộ của Phần Lan và Thuỵ Điển về mặt an ninh.
Sau nhiều tuần căng thẳng và bế tắc, các cuộc đàm phán giữa Phần Lan, Thuỵ Điển với Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc vào tối 28/6 sau khi các bên tháo gỡ được các bất đồng và ký Thoả thuận 3 bên, qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phản đối Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, đổi lại 2 quốc gia Bắc Âu cũng phải đưa ra một số nhượng bộ về an ninh và tư pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan, Thuỵ Điển là vướng mắc lớn nhất đối với NATO vào thời điểm khối quân sự này nhóm họp Thượng đỉnh trong 3 ngày tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, từ 28/6 đến 30/6.
Trước đó, sau khi Phần Lan và Thuỵ Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hồi giữa tháng 5/2022, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên quan trọng của NATO đã phản đối quyết liệt vì cho rằng, 2 quốc gia Bắc Âu chứa chấp các thành phần bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố, chống đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan, Thuỵ Điển rơi vào bế tắc kéo dài bởi theo quy định của NATO, việc kết nạp một quốc gia thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả 30 quốc gia thành viên còn lại.
Tuy nhiên, sau phiên đàm phán cuối cùng kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ chiều tối ngày 28/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã đồng ý rút lại sự phản đối sau khi nhận được một số nhượng bộ quan trọng từ phía Phần Lan, Thuỵ Điển.
Theo một số nguồn tin, trong thoả thuận 3 bên, Phần Lan, Thuỵ Điển đã cam kết sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ; ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề đối phó với đảng Công nhân người Kurd (PKK); sửa đổi các luật về chống khủng bố, chia sẻ tin tức tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sẽ dẫn độ một số đối tượng tình nghi khủng bố về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thông cáo phát đi sau đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá, “Phần Lan và Thuỵ Điển đã hợp tác đầy đủ với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nhận định, thảo thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là rất cần thiết, đồng thời, hy vọng các nước khác trong NATO sẽ sớm lên tiếng ủng hộ Phần Lan, Thuỵ Điển để hai nước này có thể sớm bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh quân sự.
“Chúng tôi sẽ gặp các quốc gia thành viên khác của NATO trong các cuộc họp hôm nay và chúng tôi chờ đợi các nước này tuyên bố mời Phần Lan và Thuỵ Điển trở thành thành viên NATO, để có thể bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập”, Tổng thống Sauli Niinisto cho biết./.