Đánh thức tiềm năng 1 dòng sông

VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang gấp rút triển khai nạo vét sông Cổ Cò để khôi phục những giá trị lịch sử và kinh tế vốn có.

Sông Cổ Cò nối từ Cửa Đại, thành phố Hội An đến cửa Hàn thành phố Đà Nẵng tên gọi trước đây là Lộ Cảnh Giang. Nơi đây một thời thuyền buồm đi về tấp nập, trên bến dưới thuyền, từng là Trung tâm mậu dịch quốc tế của xứ Đàng Trong. Sông Cổ Cò trở thành đường thủy quan trọng thuận tiện nhất giữa Đà Nẵng và Hội An. Sự bồi lấp của sông Cổ Cò từ cuối thế kỷ XIX đã làm cho con sông này chỉ còn một đoạn ngắn. Phương án nạo vét sông Cổ Cò đang được chính quyền và ngành chức năng 2 thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam gấp rút triển khai. 

Đoạn sông Cổ Cò bị thu hẹp.

Ông Đoàn Văn Giảng ở thôn Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chỉ tay về phía sông Cổ Cò, nơi tuổi thơ ông gắn với bao kỷ niệm ngọt ngào, nhớ lại: Ngày ấy cách đây hơn nửa thế kỷ, dòng sông cũng đã bị bồi lấp nhiều đoạn, nhưng khúc sông chảy qua nhà ông vẫn còn nguyên. Mùa hè, mỗi lần đi học về, ông Giảng cùng đám bạn trong thôn cởi trần trùng trục nhảy xuống tắm.

Ông Đoàn Văn Giảng ở thôn Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nước sông trong veo, mát lạnh ngấm vào trong ký ức tuổi thơ. Nhớ những buổi chiều nước triều dâng, dạt vào bờ những rong rêu. Khi thủy triều xuống, đám trẻ trong làng đổ xô đi bắt cua, đem lưới giăng cá. Ông Đoàn Văn Giảng cho biết, sau ngày giải phóng, đoạn sông này bị bồi lấp dần, cho đến khi trở thành vùng bãi bồi rộng lớn.

Người dân trong làng chia nhau từng khoảnh đất để trồng rau, màu. Dần dà, đất có chủ. Dòng sông chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Ai cũng thấy tiếc nuối kỷ niệm một thời, mong mỏi một ngày nào đó sông Cổ Cò được khơi thông.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ông Đoàn Văn Giảng chia sẻ: “Phía An Bàng, Trà Quế, thành phố Hội An đã phát triển mạnh về du lịch rồi. Nếu khai thông được dòng sông Cổ Cò, tàu thuyền đi lại thì rất tốt. Người dân mơ ước bây giờ quy hoạch lại bài bản, hai bên bờ sông có 2 dãy nhà ở, rồi các khu buôn bán, dịch vụ, chợ… Đất nông nghiệp bây giờ cũng nên hạn chế lại, vì lớp trẻ không còn mặn mà với ruộng đồng nữa mà đi làm công nhân. Tuổi già như tụi tui tiếc ruộng đất bỏ hoang nên mới đi làm nhưng thu nhập không mấy đồng hết. Bây giờ nếu phát triển đô thị thì người dân rất hưởng ứng”. 

Sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn phường Điện Ngọc 

Sông Cổ Cò mấy trăm năm trước đã là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất, tạo điểm tựa vững chãi cho nhiều đời Chúa Nguyễn trong hành trình mở rộng về phương Nam. Tuy nhiên, qua thời gian, do sự biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn được thông suốt như trước kia. Ông Phạm Quang Cường, Khối phố Hà My Tây, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hồi ông còn làm Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương (cũ) cũng đã từng nghe bàn về việc nạo vét sông Cổ Cò. Nhưng lúc ấy, tiềm lực kinh tế của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng hạn chế nên đành gác lại.

Ông Cường cho rằng, nếu dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai thì đó là điều đáng mừng cho nhiều địa phương chứ không riêng gì phường Điện Dương. “Năm 1997, sau khi tách tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, địa phương cũng đã kiến nghị với chính quyền huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) nên sớm khai thông dòng sông này. Nhưng do kinh phí lúc đó có hạn nên chậm trễ đến bây giờ. Tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta tập trung khai thông sông Cổ Cò thì đó là điều đáng mừng. Các hộ dân 2 bên bờ sông, nơi có dự án đi qua nên ủng hộ để dự án triển khai càng sớm càng tốt. Lúc đó, Điện Dương trở thành vùng trọng điểm du lịch vì nằm trên tuyến đường sông này. Đoạn sông chảy qua địa bàn phường giống như gạch nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Người dân sống dọc 2 bên bờ sông được hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp hơn”. 

Đoạn sông chưa bị bồi lắng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Nguyên PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng chia sẻ, nếu khơi thông được sông Cổ Cò thì cả một vùng rộng lớn nối Đà Nẵng với Hội An sẽ phát triển rất mạnh. Sông Cổ Cò trước đây mang dáng dấp 1 đầm phá. Đây là dạng địa hình rất đặc trưng của miền Trung. Ở Huế có phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Ở Quảng Nam, phía Bắc có sông Cổ Cò, phía Nam có sông Trường Giang. Sông Cổ Cò nối cửa Hàn với cửa Đại và sông Trường Giang nối cửa Đại với Cửa Lở.

Do là hệ sinh thái nước lợ nên khi dân số phát triển mạnh thì cần lương thực. Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, vào năm 1933, chính quyền lúc đó cho xây dựng hệ thống ngăn mặn ở vùng xâm nhập mặn này. Khi xây dựng các đập ngăn mặn trên sông (phía Quảng Nam xây đập Đế Võng và đập Hà My) tạo thành hồ nước ngọt ở giữa. Hồ nước ngọt này cung cấp được nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ 1 vụ rất bấp bênh, nhờ có các đập này làm cho sản lượng nông nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, hiện nay, vai trò sản xuất lương thực ở miền Trung không còn lớn, sự lưu thông cũng như đẩy mạnh năng suất, sản lượng ở hai đầu, đặc biệt là phía Nam nên gạo có thể chuyển đến miền Trung rất dễ dàng. Trên cơ sở đó, vai trò của sông Cổ Cò đáp ứng cho nông nghiệp nhỏ dần. “Cho đến hôm nay, trên địa bàn Đà Nẵng gần như không còn. Tức là vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống thủy lợi, các đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Và nay, việc khơi thông sông Cổ Cò, trả lại hệ đầm phá này trở lại nguyên trạng và đặc biệt là khơi thông luôn. Trước đây do đắp đập 2 đầu nên không lưu thông được. Do đó, phần ở giữa sông, tức đoạn chảy qua phường Điện Ngọc, Điện Dương bị bồi lấp. Bây giờ vừa khơi thông, vừa mở tất cả các đập lại, trả lại cho hệ sinh thái cũ của nó từ bao đời nay. Đây là 1 việc làm rất đúng đắn về sinh thái và điều quan trọng nữa là phát triển được kinh tế cho cả vùng rộng lớn từ phía Nam thành phố Đà Nẵng cho đến Hội An, đặc biệt là dọc ven biển”.  

Sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn phường Điện Dương.

Sông Cổ Cò được khơi thông hình thành kinh tế du lịch cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vị trí Hội An của thế kỷ 18 không nằm trên sông Thu Bồn mà chính là trên con sông Cổ Cò. Do đó, việc trả lại nguyên trạng dòng sông Cổ Cò không chỉ mang  lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Đó là sự tri ân đối với thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, theo những tư liệu lịch sử, dòng sông ngày xưa rất sâu. Sau này sông bị bồi lấp do tự nhiên và con người lấn.

Ông Nguyễn Sự trăn trở: “Hiện nay, giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, xuôi về biển Đông ra Cù Lao Chàm, cần thiết khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch. Nếu chúng ta khơi được dòng đó thì giữa Quảng Nam và Đà Nẵng không chỉ là đường bộ mà thêm 1 tuyến đường sông rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch, dịch vụ; Đồng thời tạo ra sự phát triển đồng đều dọc tuyến sông này, nhất là đoạn từ Non Nước trở vào. Sau này, khách du lịch có thể đi bằng thuyền trên sông để thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò
Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò

VOV.VN - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vừa thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2020.

Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò

Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò

VOV.VN - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vừa thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2020.

Lý do chưa thể nạo vét sông Cổ Cò (Quảng Nam)
Lý do chưa thể nạo vét sông Cổ Cò (Quảng Nam)

VOV.VN - Dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chưa thể triển khai do chưa phê duyệt quy hoạch.

Lý do chưa thể nạo vét sông Cổ Cò (Quảng Nam)

Lý do chưa thể nạo vét sông Cổ Cò (Quảng Nam)

VOV.VN - Dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chưa thể triển khai do chưa phê duyệt quy hoạch.

Nạo vét sông Cổ Cò: Lo ngại ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt Đà Nẵng
Nạo vét sông Cổ Cò: Lo ngại ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều nay (16/9) lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc bàn giải pháp phối hợp triển khai Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.

Nạo vét sông Cổ Cò: Lo ngại ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt Đà Nẵng

Nạo vét sông Cổ Cò: Lo ngại ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt Đà Nẵng

VOV.VN - Chiều nay (16/9) lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc bàn giải pháp phối hợp triển khai Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.