GRDP tăng trưởng 12,4%, Khánh Hòa tiếp tục là điểm sáng của miền Trung
VOV.VN - Quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục khởi sắc, tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh Khánh Hòa đang đề ra nhiều giải pháp để duy trì đà tăng trưởng 2 con số, đảm bảo an sinh xã hội.
3 tháng đầu năm 2024, hầu hết các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đều tăng trưởng tốt, nổi bật là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng hơn 26%. Nguyên nhân chính là Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động, các dự án xây dựng lớn trên địa bàn như Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise, Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home tại phường Cam Nghĩa... đang khẩn trương thi công.
Tỉnh Khánh Hòa thu hút được 4 dự án đầu tư ngoài ngân sách; Trong đó, 2 dự án lớn có tính động lực đối với địa phương là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng của Công ty CP phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ với vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh do Công ty Cổ phần VCN đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cho biết, trong quý I năm nay, tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua 2 quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh ưu tiên thực hiện các quy hoạch phân khu đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong như: Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông và Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn.
Ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết thêm, tỉnh ưu tiên cho việc lập các quy hoạch phân khu ở những khu vực gắn với các dự án trọng điểm, động lực phát triển... đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ đúng nguyên tắc đồng bộ, thống nhất và "không hợp thức hóa các sai phạm".
"Điểm sáng đối với kinh tế xã hội đã là công tác quy hoạch thì công tác quy hoạch tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong quý I, quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được công bố theo quy định. 2/19 quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy hoạch phân khu còn lại hiện đang được tỉnh chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt" - ông Châu Ngô Anh Nhân nói.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của kinh tế tỉnh Khánh Hòa. 3 tháng đầu năm nay, tỉnh này xuất khẩu hơn 500 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động hoàn thiện sản phẩm, tìm đường vào các thị trường lớn, đông dân như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... Mới đây, sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: Doanh nghiệp này đã xuất được hơn 1 triệu USD qua thị trường này: "Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, Việt Nam có một lợi thế rất lớn, đó là về chất lượng sản phẩm dai, thơm ngon. Yến sào Khánh Hòa là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu các sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Khánh Hòa, tạo công ăn việc làm, tăng nộp ngân sách", bà Vân nói.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi mới hình thức quảng bá, xúc tiến, thu hút khách từ các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia Trung Á... Quý I năm nay, toàn tỉnh đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế đạt 1,25 triệu lượt, đã vượt qua lượng khách nội địa. Du lịch đem về cho các doanh nghiệp hơn 11.600 tỷ đồng, vượt 70% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, mùa hè năm nay, tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn như Lễ hội Du lịch biển, Lễ hội Vịnh Ánh sáng... để kích cầu du lịch, đạt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách.
"Giá máy bay rất là cao, gây khó khăn về việc triển khai các đầu cầu phía Bắc. Vì vậy, phải tập trung xúc tiến các tỉnh gần như các tỉnh Tây Nguyên cũng như các tỉnh từ phía Nam. Rất thuận lợi là 30/4 này, dự kiến là cao tốc sẽ thông xe, khách từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đường bộ tăng hơn đường hàng không". Bà Thanh nói.
Hiện, tỉnh Khánh Hòa đã công bố 4 quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung khu đô thị mới Cam Lâm và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040. Các ngành, địa phương đang khẩn trương lập các quy hoạch phân khu để thu hút đầu tư. Đồng thời, triển khai cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, đảm bảo các tiêu chí là đô thị trực thuộc Trung ương.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2024, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu duy trì đà tăng trưởng trên 10%. Trên địa bàn đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, của tỉnh. Vì thế, các địa phương phải xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, các dự án đô thị, nghỉ dưỡng ...tạo việc làm, tăng thu ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong.
"Các chỉ số tăng trưởng 3 tháng đầu năm nay, Khánh Hòa vẫn giữ được 2 con số. Bây giờ 3 tháng tiếp theo, tháo gỡ bằng cách nào để Khánh Hòa tiếp tục giữ cho được 2 con số. Liên quan đến vấn đề công nghiệp, rồi dịch vụ nông nghiệp, ngành du lịch và ngày văn hóa bắt đầu vào hè. Các hoạt động sắp đến chúng ta phải tổ chức kích cầu, đổi mới, tăng thêm các sản phẩm du lịch, các hoạt động văn hóa. Phải xúc tiến liên tục, để hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng thân thiện, gần gũi hơn" - ông Nguyễn Tấn Tuân nói.