"Phát thực phẩm tặng người nghèo chống dịch, vất vả nhưng ai cũng vui"

VOV.VN - Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít cùng chung tay hỗ trợ những người khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Cứ 9 giờ tới 16 giờ hàng ngày không kể nắng mưa, các nhóm từ thiện tại Hà Nội lại thực hiện công việc phát thực phẩm miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Trương An Xinh - trưởng một nhóm phát thực phẩm từ thiện cho biết: “Tôi thấy có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ví dụ như những người nhặt ve chai, người dân lao động, cuộc sống bình thường đã khó khăn rồi, bây giờ dịch bệnh không có việc làm, không có thu nhập thì họ lấy đâu ra tiền ăn uống, sinh hoạt. Vì thế, thay vì mua sắm túi xách, quần áo hàng hiệu, tôi quyết định sẽ cùng anh em tự bỏ tiền, bỏ công sức giúp đỡ những người khó khăn vượt qua đại dịch”.

Nhiều nhà hảo tâm tới tận kho để hàng của nhóm để ủng hộ gạo, mì tôm,... cho những người khó khăn.

Bà Xinh tâm sự, có trường hợp một cô ở Thái Bình lên Hà Nội nhặt ve chai, dịch bệnh hàng quán đóng cửa hết, cả ngày chỉ nhặt được có 4 - 5 cái chai với mấy tấm cái bìa cát tông, bán đi chỉ được vài trăm đồng đến vài nghìn đồng thì làm sao đủ tiền sống. May mắn là nhóm có điểm phát đồ ăn gần đó, thấy hoàn cảnh cô như vậy rất thương. “Nhận được quà cô cảm động lắm, vì hôm nay không còn phải lo lắng xem ăn gì nữa. Tuy nhiên, tôi cũng động viên cô không nên lấy nhiều, chỉ lấy đủ ăn, hết lại ra lấy tiếp để dành thêm thực phẩm cho những người khác. Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy, tôi và các bạn trong nhóm lại càng quyết tâm hơn trong công việc mình đang thực hiện”.

Hoạt động mới bắt đầu được ít ngày nhưng nhóm đã nhận được sự ủng hộ và quyên góp của rất nhiều nhà hảo tâm. Người có nhiều tặng nhiều, người có ít tặng ít, có người tặng 1 thùng mì, người lại tặng vài chục cân gạo,...cùng chung tay giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, rất nhiều những người nghèo, người không có thu nhập trong mùa dịch đã được hỗ trợ.

Để nhập được gạo và trứng sạch, giá cả hợp lý, cả nhóm phải liên hệ tìm các mối quen và tận tay tới lựa chọn, vận chuyển về địa điểm tập kết. “Ví dụ như để mua được gạo, nhóm phải đặt mua tận Vĩnh Phúc. Anh em, bạn bè thay nhau đi xe bán tải lên 60 km rồi về liên tục mà mặt mũi ai cũng hớn hở. Chưa kể vận chuyển trứng không có khay chuyên dụng nên phải để trong túi nilong, cố gắng sắp xếp, lựa sao cho không bị vỡ. Chỉ cần một quả trứng vỡ thôi cũng xót, vì anh em luôn tâm niệm rằng một quả trứng vỡ là một người không được ăn”, bà Xinh chia sẻ.

Nói về khó khăn trong quá trình thực hiện, bà Xinh kể: “Mùa dịch nên mọi hoạt động từ mua bán, đặt hàng, đóng gói vận chuyển, nhân sự đều khó hơn ngày thường. Để mua được số lượng lớn túi nilon đóng hàng, các anh, em cũng phải tìm tới 4-5 nơi mới gom đủ. Vì nhân sự ít, thiếu người nên bản thân tôi cũng phải chạy đi chạy lại liên tục giữa các điểm bán xem có vấn đề gì có thể hỗ trợ ngay. Mỗi ngày sau khi phát quà xong, mấy anh chị em lại ngồi với nhau chia hàng ra đóng gói, mải miết đến tối muộn. Đồ ăn trưa và tối đôi khi cũng chỉ là một bát mì úp cho no để tiếp tục làm việc. Vất vả nhưng ai cũng vui và hừng hực khí thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi hết dịch”.

Bên cạnh hoạt động của các cá nhân tự phát, các ban ngành đoàn thể tại từng địa phương cũng tổ chức các trao quà từ thiện, tặng nhu yếu phẩm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Bà Cung Thị Yến - Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán không cấp thiết để thực hiện cách ly xã hội, nhiều chị em trên địa bàn Phường đã gặp khó khăn khi không có nguồn thu nhập trong mùa dịch. Vì thế, chị em trong hội Liên hiệp phụ nữ Phường đã lên kế hoạch kêu gọi ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm, lương thực cần thiết như gạo, nước mắm, dầu ăn,... và tiền mặt để hỗ trợ cho các hộ dân gặp khó khăn trên địa bàn”.

Bà Yến cho biết, điều làm bà cảm động nhất là khi phong trào được phát động, dù không phải ai cũng dư giả về kinh tế nhưng vẫn rất sẵn lòng ủng hộ.

Bên cạnh việc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đứng ra gây quỹ, chung tay ủng hộ, động viên tinh thần các y, bác sĩ đang từng ngày chiến đấu chống dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Tiến Đồng - Giám đốc Công ty xây dựng tại Hà Nội, thành viên nhóm CEO 1982 chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, các thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho y bác sĩ tại thời điểm này lại rất thiếu. Vì thế, chúng tôi đã quyết định kêu gọi ủng hộ về chi phí và vật phẩm từ các thành viên trong nhóm. Chỉ trong 96 giờ, chúng tôi đã quyên góp thành công 295 triệu đồng, mua những vật dụng cần thiết như Máy đo thân nhiệt, gel kháng khuẩn, bộ trang phục bảo hộ y tế,... để gửi tặng các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, để trao những phần quà ý nghĩa này, ông Đồng cùng các thành viên trong nhóm cũng không ít lần đắn đo, cân nhắc. “Có những thành viên gia đình không đồng ý khi biết sẽ trực tiếp tới bệnh viện để trao quà trong tình hình dịch như vậy. Có lúc chúng tôi (nhóm xung phong) đã tính đến phương án trao tặng ở một nơi khác hay phó mặc cho đội vận chuyển giao hàng. Nhưng “của cho không bằng cách cho”, vượt qua những suy nghĩ lo lắng ban đầu, chúng tôi quyết định liên hệ và trực tiếp tới tận nơi trao quà cho các bác sĩ.

Nhóm từ thiện của ông Tiến Đồng trang bị đồ bảo hộ đảm bảo an toàn cho bản thân, tới trao quà tận tay cho các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khó khăn vì những người khá giả vẫn “vô tư” vào xin quà miễn phí

Chia sẻ thêm về hoạt động phát lương thực miễn phí của mình, điều khiến bà Xinh băn khoăn nhất là làm sao để quà đến được đúng với những người khó khăn. 

Vì là địa điểm phát miễn phí, cũng rất khó để phân biệt ai là người khó khăn thật, ai không nên hiện tại tất cả những người tới ghé quầy đều được phát đủ. Tuy nhiên, vẫn có những người dù không thiếu lương thực vẫn tới lấy về vì tâm lý “Đồ miễn phí, tội gì không lấy”.

“Có lần tôi tận mắt chứng kiến trường hợp 1 cô đi chợ về, trong túi đủ hết rau, củ quả, thịt cá, đi qua bàn vẫn lấy thêm túi gạo và bột canh và 2 quả trứng. Hỏi thì cô bảo: “Thấy tặng miễn phí nên lấy xem thế nào”.

Mặc dù đã xác định từ đầu khi làm chương trình này sẽ có những trường hợp như vậy nhưng khi gặp phải tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng. Khi đó mấy anh, chị em lại tự an ủi rằng đó chỉ là số phần trăm rất nhỏ những người như vậy thôi. Khi mình càng phát nhiều, cơ hội món quà tới đúng tay người cần sẽ càng lớn hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên