Mỹ có những lựa chọn nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?
VOV.VN - Các quan chức Mỹ đang thận trọng trong việc tìm kiếm một phản ứng phù hợp trước lời cảnh báo của Tổng thống Nga Putin sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga.
Sau khi Tổng thống Putin đề cập lựa chọn hạt nhân trong phát biểu vào tuần trước, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ đang xem xét tuyên bố này một cách nghiêm túc, đồng thời tránh đưa ra những phát ngôn có thể gây leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Thông báo của người đứng đầu Điện Kremlin, trong đó nêu chi tiết các bước đi nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Nga, đã khiến các quan chức Mỹ đối mặt với một số lựa chọn khó khăn khi đứng trước “thanh kiếm hạt nhân” của Nga.
Phát biểu với ABC, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Mỹ đã thông báo với phía Nga về hậu quả tiềm tàng, nhưng chúng tôi rất thận trọng trong việc công khai đưa ra cảnh báo. Chúng tôi muốn họ hiểu rằng sẽ có hậu quả thảm khốc nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng không muốn tham gia vào một cuộc chơi ăn miếng trả miếng”.
Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga. Ông cảnh báo, Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây và đây không phải là tuyên bố nhằm hù dọa. “Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng đất nước chúng tôi có nhiều loại vũ khí hủy diệt khác nhau và một số thậm chí còn hiện đại hơn so với các nước NATO”.
Nhà Trắng cho biết, Washington không nhận thấy có bất cứ lý do gì để điều chỉnh chính sách hạt nhân trước tuyên bố của Tổng thống Putin. Các quan chức Mỹ kêu gọi Nga tránh leo thang xung đột, đồng thời thể hiện mong muốn tiếp tục đối thoại với Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov ngày 26/9 xác nhận Moscow đang giữ liên lạc với Nga trong vấn đề hạt nhân, nhưng cho biết các cuộc đối thoại không diễn ra thường xuyên. “Có rất nhiều kênh tiếp xúc giữa Nga và Mỹ nhưng chúng rất rời rạc. Tuy vậy, chúng cho phép đưa ra các thông điệp về quan điểm của mỗi bên”.
Hiện giới phân tích đang suy đoán về loại vũ khí mà Tổng thống Putin có thể sử dụng, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc. Một số người cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành lợi thế trên chiến trường. Còn vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được dùng để chấm dứt chiến tranh.
Nhưng điều đáng chú ý là công nghệ hạt nhân đã phát triển vượt bậc. Hiện cả Nga và Mỹ đều sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật và các loại vũ khí này mức độ sát thương lớn hơn nhiều so với những loại bom từng được sử dụng cách đây 80 năm.
Vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis cho biết, ông “không tin có bất cứ thứ gì gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật” và vũ khí hạt nhân sẽ luôn là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi dù được sử dụng vào bất cứ thời điểm nào”.
Dù quan hệ Nga – Mỹ đang trong tình trạng băng giá nhưng các bên được cho là vẫn kiềm chế trong phát ngôn và hành động để tránh rủi ro đáng tiếc. Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ đã tìm cách cảnh báo trực tiếp cho Nga về hậu quả mà không làm theo thang tình hình vốn dĩ đã căng thẳng.
Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mark F. Cancian cho rằng: “Tổng thống Putin rất khôn khéo khi khiến phương Tây luôn phải cảnh giác trước các mối đe dọa hạt nhân của Nga. Phương Tây phản ứng rất mạnh mẽ với mối đe dọa này. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vào hành động thay vì lời nói của họ”.
Ông Cancian đánh giá, các quan chức Mỹ đang đi đúng hướng khi sử dụng chính sách “mập mờ chiến lược”, khiến Nga phải chú ý bằng cách cam kết sử dụng biện pháp quân sự để đáp trả trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cùng chung quan điểm này, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cho rằng thông điệp của Washington gửi tới Moscow tuần trước rất cứng rắn và không có dấu hiệu cho thấy những cảnh báo của Tổng thống Putin khiến phương Tây cắt giảm viện trợ vũ khí cho Ukraine.
“Là một cựu sỹ quan tình báo KGB, Tổng thống Putin rất biết vận dụng trò chơi tâm lý. Ông ấy đã khéo léo đưa ra những kịch bản khiến chúng tôi sợ hãi và không dám bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng chúng tôi không thể rơi vào cái bẫy này”.
Ông John Herbst lưu ý, Mỹ có thể cố gắng thuyết phục các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ tham gia nỗ lực vận động hành lang để khiến Tổng thống putin không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cảnh báo của Tổng thống Putin về sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đối mặt với nhiều thách thức trên chiến trường sau khi Ukraine tiến hành cuộc phản công nhằm giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ từ tay Nga.
Nhiều người đặt câu hỏi chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm gì nếu cảnh báo của ông Putin thành hiện thực?
Matthew Kroenig tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, phương Tây có thể phản ứng trước cuộc tấn công hạt nhân hạn chế của Nga bằng cách tăng gấp đôi, gấp ba các biện pháp trừng phạt mà họ đang thực hiện, khiến nước Nga bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó họ có thể chuyển giao nhiều vũ khí hơn đến Ukraine, thậm chí triển khai thêm nhiều lực lượng trong đó có lực lượng hạt nhân đến mặt trận phía Đông của NATO. Phản ứng này có thể ngăn chặn vòng xoáy leo thang trước khi điều đó diễn ra. Vấn đề là Nga có thể không chấp nhận nhượng bộ hoặc lùi bước.
Ngoài ra, Mỹ còn có những lựa chọn mạnh mẽ hơn, trong đó có việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một số khu vực như Bắc Băng Dương hoặc nhắm vào khu vực Siberia thuộc Nga. Lựa chọn này sẽ giúp Mỹ trấn an Ukraine và các đồng minh rằng, Washington sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với Nga. Nhưng điều đó có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ, dẫn đến một loạt cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Hậu quả sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát nếu các bên hiểu sai ý định của nhau và có những tính toán sai lầm.
Một lựa chọn quân sự khác là tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí thường vào các lực lượng Nga. Mục tiêu có thể là căn cứ nơi Nga phát động cuộc tấn công hạt nhân hoặc quân đội của Nga tại Ukraine. Nhưng kịch bản này có thể dẫn đến cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, có nguy làm bùng phát Thế chiến 3.
Tuy vậy, một số quan chức Mỹ không đồng tình với nhận định nêu trên. Họ cho rằng, Mỹ không thể đáp trả bằng biện pháp quân sự trừ khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công NATO”. Xét theo quan điểm này, Tổng thống Mỹ Biden chắc chắn không muốn căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện có thể phá hủy nhiều thành phố của Mỹ./.