Hết hạn ngạch, doanh nghiệp xuất khẩu gạo “ngồi trên đống lửa”

VOV.VN - Đến ngày 13/4, các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang như đang “ngồi trên đống lửa” vì chưa thông quan, xuất khẩu được hạt gạo nào.

Từ 0h00 giờ ngày 11/4, Chính phủ cho phép tái xuất khẩu gạo trong tháng 4 với số lượng 400.000 tấn. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo và nhà nông dân của cả vùng ĐBSCL rất phấn khởi. Tuy nhiên, đến hôm nay (13/4), các DN trong vùng, cụ thể như ở tỉnh Tiền Giang như đang “ngồi trên đống lửa” vì chưa thông quan, xuất khẩu được hạt gạo nào. 

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng, tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của ĐBSCL cho biết, như đang rất sốt ruột vì hơn 5.000 tấn gạo nằm tại cảng TP HCM chưa được thông quan. Tại cảng chỉ có một vài doanh nghiệp may mắn được đăng ký hải quan.

Nhiều nhà máy xay xát tại vùng ĐBSCL dự trữ đầy gạo chờ xuất khẩu.

Ông Đôn cho biết nếu không xuất được lô hàng trong tháng 4 này thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do phát sinh chi phí, lưu kho và giảm chất lượng gạo khi để lâu ngày.

“DN còn 5.000 tấn trên cảng chưa được thông quan do hệ thống Hải quan đang trục trặc cái gì đó, mình đang chờ. Chính phủ từ ngày 11/4 cho xuất khẩu trở lại, lúc 1h00 ngày 12/4 mở cổng Hải quan để cho khai báo, nhưng đến khoảng 3h00 đã đủ số lượng nên đến ngày 13/4 các DN kêu la. Tổng Cục Hải quan đang họp để kiểm tra lại việc này, không biết có được hay không nữa. Tôi đang ngồi “trên lửa” nóng lòng chờ vì nếu mà dừng lại mình kẹt vô cùng”, ông Đôn lo lắng.

Công ty TNHH Phước Đạt tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành cũng như  công ty Lương thực Tiền Giang cũng không xuất khẩu gạo được từ ngày 11/4. Ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt cho biết, DN còn khoảng 7.000 tấn gạo tồn kho. Do không đăng ký thông quan, xuất khẩu không được nên chỉ bán tiêu thụ nội địa hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu.

“Nói chung việc này chỉ giải tỏa được số lượng gạo nằm tại cảng. Một số DN đã chực chờ nên khi Chính phủ cho xuất, họ đã đăng ký ngay nên số lượng đã chốt, các DN khác giờ cứ nằm chờ  tới tháng 5. DN bán gạo tiêu thụ nội địa và cung ứng cho trung gian xuất khẩu. Với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn nhưng số lượng gạo chờ xuất khẩu nằm ở cảng đã có khoảng 200.000 tấn, nhiều doanh nghiệp lớn nắm thông tin chốt trước hết”, ông Hưng cho biết.

Một kho đầy lúa gạo tại huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Vùng ĐBSCL hiện nay còn lượng lúa gạo rất dồi dào. Vụ lúa Đông Xuân dù bị ảnh hưởng của hạn mặn nhưng trúng mùa; trong khi đó lúa Hè Thu sắp vào vụ. Chỉ riêng tại tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát đang dự trữ gần 100.000 tấn gạo.

Việc thông tin cơ quan Hải quan khép lại hồ sơ thông quan như các DN phản ánh làm cho đầu ra lúa gạo tại miền Tây gặp khó khăn. Đây là vấn đề cần được quan tâm, xem xét của Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành theo đúng chủ trương của Chính phủ về tái xuất khẩu gạo trong tháng 4 này để DN và nông dân cùng được hưởng lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên