Động cơ của Mỹ khi can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Nga-Ukraine
VOV.VN - Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, cam kết của Mỹ cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Ukraine trong thời gian gần đây là phản ứng nhanh chóng đối với một vấn đề nghiêm trọng: Ukraine đang dần mất lợi thế trong cuộc xung đột.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ Kiev không đạt được các bước tiến mới là do cuộc xung đột đã chuyển sang giai đoạn tiêu hao với các chiến hào được gia cố vững chãi dọc theo tiền tuyến và vị trí của các bên được sắp đặt tương đối ổn định giống như những gì xảy ra trong Thế chiến thứ nhất.
Trong một cuộc chiến tiêu hao, bên nào có nguồn lực quốc phòng và nhân sự dồi dào, bên đó sẽ chiến thắng. Nga có dân số lớn gấp 3 lần Ukraine, một nền kinh tế vững vàng trước các lệnh trừng phạt và công nghệ quân sự vượt trội. Tuy vậy, Moscow cũng đối mặt với thách thức riêng. Thời gian gần đây, tình trạng thiếu binh sỹ và vũ khí cũng như việc các căn cứ quân sự dễ trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công bằng tên lửa đã làm chậm bước tiến của Moscow ở phía Tây. Với sự bế tắc trên chiến trường, cả hai bên đều có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán.
Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden lại có kế hoạch khác. Họ dường như đánh cược rằng, bằng cách cung cấp xe tăng, họ có thể giúp Ukraine gia tăng cơ hội chiến thắng. Song kế hoạch có nguy cơ gây leo thang xung đột, khiến Mỹ khó duy trì quan điểm đứng ngoài cuộc chiến. Washington giờ đây không chỉ là bên “giúp đỡ, cố vấn hoặc cung cấp vũ khí” cho Ukraine như những gì họ đã làm tại Afghanistan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà đang dấn sâu hơn, có khả năng trở thành “đối thủ chính” trên chiến trường của Nga. Điều này khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi: Nga đang xung đột với Mỹ hay với Ukraine?
Sự thay đổi chính sách của Washington nói trên là điều khá bất ngờ. Thời gian gần đây, chính quyền Biden đã tìm cách thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Cuộc thương lượng rất khó khăn nhưng cuối cùng ông Scholz cũng đồng ý với điều kiện Mỹ phải cung cấp một trong những loại xe tăng tiến tiến nhất của nước này cho Ukraine.
Trong thời đại những thiết bị thông minh chẳng hạn như các phương tiện không người lái hoặc điều khiển từ xa chiếm ưu thế, sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột dường như đã vượt xa những tuyên bố bằng lời. Song điều đáng chú ý là sức mạnh của các loại vũ khí mới hầu như phụ thuộc vào mạng lưới thông tin của Mỹ - một mạng lưới hoạt động độc lập với các binh sỹ và không được Washington chia sẻ hoàn toàn cho đối tác.
Theo nhà phân tích Caldwell của New York Times, lập luận cho rằng Mỹ đang tham gia hoạt động quân sự tại Ukraine không phải là không có căn cứ. Mùa Xuân năm 2022, Ukraine đã gây bất ngờ khi tuyên bố sử dụng thông tin do Mỹ cung cấp để đánh chìm soái hạm Moskva của Nga ở Biển Đen. Tiếp đến, vào thời điểm giao thừa năm 2022-2023, một ký túc xá giành cho các tân binh của quân đội Nga ở thành phố Makiivka đã bị trúng tên lửa vào lúc nửa đêm. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 89 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào đêm giao thừa do sử dụng điện thoại di động trái quy định.
Sau những vụ việc như vậy, các nhà lãnh đạo Nga dường như cảm nhận được rằng, sự kháng cự mà họ phải đối mặt không chỉ đến từ Ukraine. Vai trò của Mỹ đang tích cực hơn nhiều so với giai đoạn đầu của chiến và không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đáp ứng các yêu cầu về vũ khí của Ukraine. Là nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ có lẽ hiểu rất rõ những giải pháp công nghệ nào phù hợp để ứng phó với các thách thức trên chiến trường tại Ukraine.
Theo đánh giá của Washington, xe tăng Abrams là phương tiện phù hợp đối với quân đội Ukraine, nhưng nó đòi hỏi các kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm để đào tạo kỹ năng vận hành và sửa chữa. Vẫn chưa rõ, Mỹ có kế hoạch điều động kỹ thuật viên của nước này vào chiến trường hay không? Các cố vấn của ông Biden hiện đang bị chia rẽ về mức độ can dự của Mỹ vào cuộc chiến. Một số người cho rằng đã đến lúc Nga và Ukraine phải đàm phán, nhưng một số người muốn Ukraine phải giành lại hoàn toàn các vùng lãnh thổ đã mất, trong đó có cả Crimea.
Nhà phân tích Caldwell cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt nguồn từ những xu thế lịch sử phức tạp sau Chiến tranh Lạnh và những toan tính về mặt kinh tế, chẳng hạn như sự thăng trầm về giá cả của nhiên liệu hóa thạch. Nhưng nó cũng là chương mới nhất của một câu chuyện địa chính trị có cốt tuyện hầu như không thay đổi trong nhiều thế kỷ: Nga muốn ngăn chặn phương Tây thiết lập thành trì quân sự trên Biển Đen, vốn là tuyến đường chính kết nối Nga với thế giới bên ngoài. Biển Đen có vị trí quan trọng trong cấu trúc an ninh quốc phòng của Nga. Việc chiếm ưu thế vượt trội tại khu vực này cho phép Moscow đối phó với những thách thức từ NATO.
Về phần mình, Nga tuyên bố họ đang chiến đấu vì sự sống còn của đất nước và cũng để đối phó với Mỹ nhằm thay đổi trật tự thế giới đơn cực do Washington dẫn đầu./.